Huyết áp cao là bệnh lý phổ biến ở toàn cầu và nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, tỉ lệ cao huyết áp ở người trẻ có xu hướng tăng và nhiều nghiên cứu cho thấy huyết áp cao ở người trẻ làm sớm hình thành xơ vữa động mạch và đối mặt với các biến chứng.
Mục lục
Cao huyết áp ở người trẻ thuộc độ tuổi nào?
Khảo sát cho thấy tỉ lệ người trẻ mắc cao huyết áp thuộc độ tuổi dưới 35, chiếm khoảng 5 – 12%. Tình trạng tăng huyết áp ở độ tuổi này ảnh hưởng tới sức khỏe và hiệu quả công việc.
Nhiều nghiên cứu kết luận rằng, tình trạng cao huyết áp ở người trẻ khiến sớm hình thành các mảng bám xơ vữa động mạch, tiến triển sớm các bệnh lý tim mạch.
Chính vì vậy, cần chủ động ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm để ngăn chặn bệnh diễn tiến sang biến chứng.
Mức độ nguy hiểm
Cao huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” đủ để thấy nó nguy hiểm nhường nào. Tuy nhiên, cũng còn tùy trường hợp mà mức độ nguy hiểm là không giống nhau.
Đối với trường hợp phát hiện sớm nhờ vào việc theo dõi sức khỏe thường xuyên thì có thể kịp thời hạn chế và kiểm soát kiểm áp ổn định hơn.
Đối với trường hợp bệnh không hề có một biểu hiện nào, người bệnh cũng không có thói quen thăm khám sức khỏe. Bệnh nặng và diễn tiến sang các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thường tới các cơ quan đích của cơ thể như: suy tim, suy thận, xuất huyết não, mù lòa, … thậm chí có thể dẫn tới tử vong đột ngột.
Ngoài ra, ở người trẻ bị tăng huyết áp thì tỉ lệ rối loạn chức năng tình dục cao gấp 2,5 lần so với người không bị tăng huyết áp. Tỉ lệ này còn cao hơn khi người trẻ bị tăng huyết áp kèm theo các bệnh khác như đái tháo đường, bệnh lý thận mạn… Ngoài ra, người bệnh cũng dễ bị rối loạn cảm xúc theo chiều hướng dễ nóng giận, mất kiềm chế…
Người trẻ đôi khi tự tin vào sức trẻ mà chủ quan với sức khỏe của bản thân. Bởi vậy, cần có sự chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng quan.
Dấu hiệu nhận biết cao huyết áp ở người trẻ
Cao huyết áp ở người trẻ thường được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì lý do khác. Trong số đó, đến 70% là không có triệu chứng điển hình như nhức đầu, chóng mặt…
Ở người trẻ, cao huyết áp thường có chỉ số huyết áp dưới cao, ví dụ 120/95mmHg, trong khi đó, cao huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp trên, ví dụ 170/80mmHg. Dấu hiệu không điển hình của cap huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp…
Nguyên nhân tăng huyết áp ở người trẻ
Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người trưởng cao tuổi có đến 95% trường hợp không có nguyên nhân, chỉ khoảng 5% có nguyên nhân. Tuy nhiên, ở người trẻ, tỉ lệ cao huyết áp có nguyên nhân cao hơn so với người già. Các nguyên nhân có thể gặp là bệnh lý thận mạn tính, mất thăng bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu … Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp có thể là:
Thường xuyên căng thẳng, stress
Áp lực đến từ việc liên tục phải chạy theo deadline, tiến độ công việc, áp lực doanh số, quá tải công việc, thường xuyên phải tăng ca, về trễ, làm việc overnight,…
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 năm, người bị áp lực từ công việc có nguy cơ cao mắc ít nhất một bệnh liên quan đến tim mạch, phổ biến là cao huyết áp.
Thường xuyên uống bia rượu
Nhiều bạn trẻ do tính chất công việc hoặc nhu cầu kết bạn nhiều có thói quen uống rượu bia nhiều. Thường xuyên nạp chất cồn vào cơ thể dễ dàng khiến dạ dày, tim, thận phải tăng cường hoạt động dẫn tới uqas tải, khiến chức năng suy yếu, sức đề kháng kém huyết áp tăng cao. Đặc biệt, với những người lười vận động, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.
Thường xuyên sử dụng chất kích thích, thuốc lá
Chất kích thích, thuốc lá được các bạn trẻ sử dụng như một sự giải tỏa căng thẳng. Một số trường hợp khác là tò mò và bị cám dỗ, nghiện ngập.
Ăn mặn
Thói quen ăn mặn hoặc ăn các thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh khiến cho lượng muối tích tụ nhiều, dẫn tới tích nước và làm cho huyết áp tăng cao.
Thừa cân, béo phì
Tỉ lệ người trẻ béo phì có xu hướng tăng, một phần do tính chất công việc phải ngồi trên công ty cả ngày, một số khác do thói quen ăn uống và ít vận động. Béo phì có mối liên hệ mật thiết với cao huyết áp, tỉ lệ người béo phì mắc cao huyết áp là khá cao.
Điều trị cao huyết áp vô căn ở người trẻ tuổi
Điều trị tăng huyết áp ở người trẻ trước tiên cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp chưa tìm thấy nguyên nhân, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc hạ áp nhằm ổn định huyết áp và tránh biến chứng ngoài ý muốn.
Bệnh nên được phát hiện sớm để kịp thời có phương pháp điều trị đơn giản, ít tốn kém nhất. Một số triệu chứng cần lưu ý như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tiểu đêm, tự nhiên thấy chân tay tê yếu, mặt hay đỏ phừng… Khi phát hiện thấy những triệu chứng này cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và xử lý kịp thời.
Mục đích của quá trình điều trị tăng huyết áp là dần đưa chỉ số huyết áp về lại mức lý tưởng (90/60 – 120/80mmHg) và duy trì nó ổn định trong phạm vi này. Xác định nguyên nhân gây ra bệnh lý tăng huyết áp là điều thiết yếu để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cao huyết áp vô căn lại khó có thể xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh. Do đó, bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp do bác sĩ chỉ định, bạn cần nên thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học hơn. Điều này giúp bạn đảm bảo hiệu quả của phác đồ điều trị.
1. Thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc cũng như chế độ ăn uống
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Người bệnh cao huyết áp nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, ngũ cốc nguyên chất, quả chín chưa xay, ép cùng các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá trích, cá thu, cá hồi,…
- Giảm tiêu thụ nội tạng động vật, các loại sản phẩm chế biến sẵn: cá hộp, thịt muối, dưa cà muối, các món kho, rim, muối, các loại nước sốt, nước chấm mặn,…
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, caffeine.
– Tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng
- Luyện tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn giúp phòng ngừa bệnh huyết áp.
- Tăng cường các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, tập các bài tập vận động hoặc chơi các môn thể thao khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày giúp người cao huyết áp giảm chỉ số từ 5 đến 8 mmHg.
– Duy trì cân nặng ở mức phù hợp
Cố gắng giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9. Nếu béo phì cần tích cực giảm cân, đạt được cân nặng lý tưởng
– Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng liên tục có thể khiến huyết áp tăng cao, nhất là khi bạn lựa chọn ăn các thực phẩm không lành mạnh, sử dụng cồn hoặc hút thuốc lá để đối mặt với căng thẳng.
Bệnh nhân huyết áp cao cần dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi điều độ, tránh lo âu, làm việc quá sức, căng thẳng thần kinh và bị lạnh đột ngột.
– Đo huyết áp thường xuyên
Chủ động theo dõi huyết áp giúp bạn kiểm soát được chỉ số huyết áp của bản thân, từ đó dễ ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm mà huyết áp cao gây ra. Bạn có thể lựa chọn theo dõi huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà hoặc thăm khám sức khỏe thường xuyên tại các cơ sở y tế và nhận sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
2. Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp do bác sĩ kê đơn
Một trong những cách điều trị tăng huyết áp là sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau đến khi cơ thể người bệnh chấp nhận thuốc điều trị cao huyết áp phù hợp:
- Thuốc ức chế Beta: Có tác dụng làm giãn động mạch và giúp tim đập chậm hơn, ít gây áp lực lên tim. Hiệu quả của thuốc là làm giảm áp lực máu bơm qua động mạch ở mỗi nhịp tim và chặn một số nội tiết tố trong cơ thể khiến huyết áp tăng.
- Thuốc lợi niệu: Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp là do lượng muối cao và lượng chất dịch trong cơ thể bị dư thừa. Thuốc lợi niệu điều trị tăng huyết áp có tác dụng đào thải muối và lượng chất dịch dư ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, giúp hạ áp lực lưu lượng máu;
- Chất gây ức chế men chuyển và thụ thể Angiotensin: Angiotensin là hóa chất khiến thành động mạch và mạch máu co hẹp lại. Thuốc có tác dụng ức chế men chuyển sinh chất angiotensin ngăn không cho cơ thể sản sinh quá nhiều loại hóa chất này, nhờ đó mà giúp giảm áp lực máu và mạch máu giãn. Nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin ngăn không cho chất Angiotensin gắn vào các thụ thể của nó gây ra tác động co mạch.
- Thuốc chặn Canxi: Loại thuốc điều trị tăng huyết áp này có tác dụng chặn 1 số gốc canxi thâm nhập vào cơ tim làm giảm áp lực từ tim và giảm chỉ số huyết áp.
- Thuốc chặn Alpha-2: Thuốc này có tác dụng giảm huyết áp và giãn mạch máu. Cơ chế của loại thuốc này là làm thay đổi xung thần kinh mà gây co mạch máu, từ đó làm thư giãn mạch máu và giúp hạ huyết áp hiệu quả.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe không khuyến khích người trẻ tuổi lạm dụng thuốc. Bên cạnh những lợi ích hạ áp chúng có thể mang lại, một số loại thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Chính vì vậy, khi nhận được đơn thuốc, bạn nên hỏi rõ bác sĩ về những tác dụng phụ có nguy cơ phát sinh. Trường hợp bạn nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn nên trao đổi với bác sĩ và yêu cầu đổi đơn thuốc.
Theo giaocolam.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ N. Kaplan (2006): “Primary hypertension pathogenesis”. Clinical hypertension 9th Edition, William – Wilkins 2006.
2/ Phạm Gia Khải và CS (2006): “Khuyến cáo của hội Tim mạch học Việt Nam về chẩn đoán, điều trị, dự phòng tăng huyết áp ở người lớn”. Khuyến cáo về bệnh lý Tim mạch và Chuyển hóa giai đoạn 2006 – 2010.
3/ Đặng vạn Phước và Cs (2006): ): “Khuyến cáo của hội Tim mạch học Việt Nam về chẩn đoán, điều trị, dự phòng tăng huyết áp ở trẻ em”. Khuyến cáo về bệnh lý Tim mạch và Chuyển hóa giai đoạn 2006 – 2010.