Huyết áp cao hay tăng huyết áp là một bệnh lý rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cứ trung bình 10 người lớn thì có 4 người mắc bệnh. Theo tổ chức Y tế thế giới, những biến chứng tim mạch từ tăng huyết áp là nguyên nhân khiến 7 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.
Vì vậy việc điều trị sớm và kiểm soát huyết áp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân lại phân vân không biết huyết áp cao nên uống thuốc gì vì thuốc hạ huyết áp hiện nay rất đa dạng. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn đưa ra lựa chọn phù hợp.
Mục lục
Huyết áp cao là gì? Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Để điều trị được bệnh cao huyết áp, trước hết chúng ta cần hiểu rõ khái niệm huyết áp và bệnh tăng huyết áp là gì.
Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.
Khi y tá tiến hành đo huyết áp, bạn có thể nghe được các con số ví dụ như 120/80mmHg. Đây chính là trị số huyết áp, gồm 2 thành phần:
- Huyết áp tâm thu (hay huyết áp tối đa): là áp lực của máu trong động mạch lên tới mức cao nhất khi tim co bóp.
- Huyết áp tâm trương (hay huyết áp tối thiểu): là áp lực của máu ở điểm thấp nhất khi tim giãn nghỉ.

Huyết áp tâm thu bình thường ở người trưởng thành là 100 -120mmHg, huyết áp tâm trương bình thường ở người trưởng thành là 60 – 80mmHg.
Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, có đến 90% bệnh nhân tăng huyết áp là không xác định được nguyên nhân (hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn). Ngoài những bệnh nhân tăng huyết áp vô căn, khoảng 10% bệnh nhân tăng huyết áp còn lại có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý về thận.
- Mắc các bệnh lý liên quan đến hệ nội tiết như hội chứng Cushing, hội chứng Conn,…cũng khiến huyết áp bệnh nhân tăng lên.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch như hẹp eo động mạch chủ, viêm hẹp động mạch chủ bụng, hở van động mạch chủ,…
- Một số bệnh khác như bệnh cường giáp, bệnh đa hồng cầu, bệnh beri-beri….cũng gây nên chứng tăng huyết áp.

Phân loại tăng huyết áp
Dựa vào trị số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, các mức độ tăng huyết áp được phân loại như sau:
- Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu <120 mmHg và huyết áp tâm trương <80 mmHg.
- Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu từ 120 – 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg.
- Tăng huyết áp giai đoạn 1: huyết áp tâm thu từ 140 – 159 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90-99 mmHg.
- Tăng huyết áp giai đoạn 2: huyết áp tâm thu từ 160 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 100 mmHg trở lên.
Khi nào người bệnh cần uống thuốc điều trị?
Khi bệnh nhân ở giai đoạn tiền tăng huyết áp, các chuyên gia khuyến cáo chưa cần sử dụng thuốc mà thay vào đó là nên bắt đầu thay đổi lối sống của mình. Một lối sống như thế nào là phù hợp với người huyết áp cao, những phần sau của bài viết sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Thuốc hạ huyết áp được chỉ định cho các bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 và 2, điều này có nghĩa là nếu huyết áp tâm thu của bạn cao hơn 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương cao hơn 89 mmHg thì bạn sẽ bắt đầu điều trị bằng thuốc hạ huyết áp.
Bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra số đo huyết áp của bản thân thông qua các loại máy đo huyết áp cá nhân, hoặc đến khám tại bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe và có được sự tư vấn kĩ càng của bác sĩ.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Bắt buộc sử dụng thuốc điều trị khi huyết áp cao bao nhiêu?
Huyết áp cao nên uống thuốc gì?
Tuy số lượng thuốc điều trị tăng huyết áp hiện nay rất lớn, nhưng có thể chia chúng ra thành 6 nhóm chính gồm:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc liệt giao cảm
- Thuốc giãn mạch
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc ức chế thụ thể
Để lựa chọn được thuốc điều trị tăng huyết áp phù hợp, chúng ta cần hiểu rõ đặc điểm, đối tượng sử dụng và những tác dụng phụ của từng nhóm thuốc.
Thuốc lợi tiểu
Các thuốc thuộc nhóm lợi tiểu thường làm tăng thải nước và muối ra khỏi cơ thể, làm giảm thể tích tuần hoàn từ đó làm hạ huyết áp. Các thuốc hạ huyết áp trong nhóm lợi tiểu được chia thành 3 nhóm nhỏ:
Thuốc lợi tiểu thiazid (như Hydroclorothiazid, Indapamid)
Đây là loại thuốc được dùng phổ biến, hiệu quả nhất đối với người bị tăng huyết áp ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, người bệnh có chức năng tim, thận bình thường. Tuy nhiên chúng có những tác dụng phụ như làm giảm Kali máu, tăng acid uric, tăng đường huyết.
Thuốc lợi tiểu quai (như Furosemid, Bumetanid, Acid ethacrynic)
Đây là loại thuốc có tác dụng hạ huyết áp nhanh và mạnh, thường dùng cho bệnh nhân lên cơn tăng huyết áp kịch phát, bị suy thận cấp. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này tương tự như nhóm lợi tiểu thiazid nhưng nếu dùng ở liều cao chúng còn gây độc tính trên thính giác.
Thuốc lợi tiểu tiết kiệm Kali (như amilorid, triamteren, spironolacton)
Đây là những thuốc có tác dụng hạ huyết áp nhẹ, ít khi được sử dụng, chủ yếu dùng để phối hợp với các nhóm thuốc lợi tiểu khác để giảm tác dụng phụ mất Kali hoặc dùng cho bệnh nhân bị cường aldosteron. Thuốc này có thể gây rối loạn kinh nguyệt ở nữ và hiện tượng vú to ở nam giới.
Thuốc liệt giao cảm
Các thuốc trong nhóm này thường làm giảm hoạt động của tim, giảm nhịp tim từ đó hạ huyết áp. Chúng được chia làm 2 nhóm nhỏ:
Thuốc tác dụng lên thần kinh giao cảm ở trung ương (như Methyldopa và Clonidin)
Các thuốc này hiện nay ít sử dụng vì tác dụng phụ gây trầm cảm, nếu bệnh nhân ngưng thuốc đột ngột sẽ làm huyết áp tăng vọt. Tuy nhiên, Methyldopa lại là thuốc được các bác sĩ lựa chọn để điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ có thai.
Thuốc chẹn beta (gồm có propanolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol, acebutolol…)
Những thuốc này dùng tốt cho các bệnh nhân bị huyết áp cao có kèm theo đau thắt ngực, bị rối loạn chức năng nút xoang. Thuốc chống chỉ định đối với người mắc các bệnh lý như hen suyễn, suy tim hay nhịp tim chậm.
Thuốc giãn mạch
Thuốc hạ huyết áp nhóm giãn mạch có 3 thuốc chính là Dihydralazine, Prazosin và Minoxidil. Các thuốc này hiện nay ít được sử dụng, hầu hết chỉ sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với hầu hết các nhóm thuốc khác.
Thuốc chẹn kênh canxi
Nhóm chẹn kênh canxi bao gồm các thuốc như nifedipin, nicardipin, amlodipin, verapamil, diltiazem,felodipin,….với nhiều thế hệ thuốc khác nhau.
Đây là nhóm thuốc được sử dụng tương đối phổ biến, thích hợp cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, những bệnh nhân cao tuổi cũng thường được bác sĩ chỉ định nhóm thuốc này vì nó không gây ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể. Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc là nhức đầu và phù.
Thuốc ức chế men chuyển
Nhóm ức chế men chuyển gồm các thuốc như captopril, enalapril, benazepril, lisinopril, perindopril, quinepril,…Chúng có tác dụng ức chế một loại enzyme trong cơ thể tên là Angiotensin, enzyme này vốn đóng vai trò trong việc làm tăng huyết áp.
Nhìn chung các thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển được sử dụng phổ biến, dùng được cho hầu hết các mức độ bệnh.
Ưu điểm nổi bật của nhóm thuốc này là không gây rối loạn mỡ máu, đường huyết và acid uric khi dùng kéo dài nên thường được các bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân bị tăng huyết áp kèm theo đái tháo đường.
Thuốc còn làm giảm 63% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên những bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc này thường gặp tình trạng ho khan kéo dài.
Thuốc ức chế thụ thể
Nhóm ức chế thụ thể gồm các thuốc như Losartan, Valsartan, Candesartan, Irbesartan, Telmisartan,…Hiệu quả của nhóm thuốc này tương đương với nhóm ức chế men chuyển nhưng chúng khắc phục được tình trạng ho khan của bệnh nhân. Bác sĩ thường chỉ định nhóm thuốc này cho những bệnh nhân không đáp ứng với nhóm ức chế men chuyển.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp
Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị, người bị tăng huyết áp cần lưu ý một số điều sau:
- Thuốc điều trị tăng huyết áp là thuốc kê đơn, việc sử dụng phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, các bạn không nên tự ý đi mua và dùng thuốc bằng kiến thức cá nhân hay tham khảo những người bị tăng huyết áp khác.
- Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính vì vậy việc điều trị diễn ra hàng ngày và thời gian điều trị kéo dài, các bạn phải uống thuốc hạ huyết áp đều đặn hàng ngày, dùng đúng và đủ liều lượng, tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ.
- Khi gặp bất cứ tác dụng không mong muốn nào, bạn nên đến gặp bác sĩ để xin tư vấn, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hay đổi sang loại thuốc hạ huyết áp khác.
- Người huyết áp cao nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà để thường xuyên kiểm tra huyết áp, dự phòng những cơn tăng huyết áp kịch phát và có sự can thiệp kịp thời.

☛ Tham khảo thêm tại: Thuốc huyết áp cao nên uống lúc nào và uống như thế nào mới đúng?
Xây dựng lối sống phù hợp cho người bị huyết áp cao
Bên cạnh việc sử dụng thuốc hàng ngày và đúng cách thì thay đổi lối sống được các chuyên gia xem là chìa khóa để kiểm soát và giảm nhẹ mức độ bệnh.
Nếu chỉ dùng thuốc đơn thuần mà không kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện khoa học thì huyết áp của bạn khó mà giữ được ở mức ổn định. Vậy một lối sống như thế nào là tốt cho người bị huyết áp cao?
Giảm bớt lượng muối ăn hằng ngày
Người Việt Nam ta thường có xu hướng thích các món ăn có vị đậm đà, tuy nhiên việc có chế độ ăn nhiều muối sẽ dẫn đến tình trạng tích trữ Natri trong cơ thể gây tăng huyết áp.

Cần gia giảm muối trong khẩu phần ăn, các chuyên gia khuyến cáo người bị tăng huyết áp chỉ nên ăn dưới 5 gam muối mỗi ngày. Những thực phẩm được chế biến sẵn như xúc xích, giò chả,..khiến bạn rất khó để kiểm soát được lượng muối vì chúng được thêm muối trong quá trình chế biến.
Các bạn cũng cần lưu ý khi dùng những món nước chấm hàng ngày trong gia đình như nước mắm, nước tương, các loại mắm hay dưa muối mặn. Tuy đây là những món ăn rất kích thích vị giác nhưng nó hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe của người huyết áp cao.
Người huyết áp cao nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và các thực phẩm có lượng chất béo thấp. Các sản phẩm sữa ít béo, thịt nạc, cá và các loại đậu, ngũ cốc thô chưa qua tinh chế công nghiệp cũng giúp các bạn duy trì huyết áp ở mức ổn định.
Bạn nên cân nhắc việc sử dụng những loại trà, thảo mộc, dược liệu có tác dụng ổn định huyết áp như một biện pháp hỗ trợ.
☛ Tham khảo đầy đủ: Thực phẩm dành cho người huyết áp cao
Uống rượu, bia, chất có cồn ở mức vừa phải
Rượu, bia và các chất kích thích vốn đã gây hại cho cơ thể nếu sử dụng thường xuyên, ở những người bị tăng huyết áp cũng không ngoại lệ. Các bạn nên kiểm soát lượng cồn đưa vào cơ thể ở mức 20-30 gam ethanol/ngày đối với nam và 10-20 gam ethanol/ngày đối với nữ.

Duy trì mức cân nặng hợp lý
Người cao huyết áp nên điều chỉnh cân nặng của cơ thể sao cho chỉ số BMI xuống dưới 25, duy trì kích thước vòng bụng dưới 90cm đối với nam và dưới 80cm đối với nữ.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Tăng cường vận động, tích cực tập thể dục đều đặn, ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Hạn chế việc hút thuốc lá.

Lời kết
Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính, bạn sẽ kiểm soát được nó khi hiểu rõ về bệnh và tuân thủ chỉ dẫn điều trị của các bác sĩ. Mong rằng bài viết này đã phần nào giải đáp thắc mắc tăng huyết áp nên dùng thuốc gì của các bạn. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh để tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống!
Tài liệu tham khảo
http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/thong-tin-thuoc-menuleft-124/436-cac-nhom-thuoc-co-dien-trong-dieu-tri-tang-huyet-ap-436.html
http://benhvien108.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-benh-tang-huyet-ap.htm