Đối với người bệnh tiểu đường, việc chọn món ăn hỗ trợ kiểm soát đường huyết là rất quan trọng. Các món canh thanh đạm không chỉ dễ tiêu hóa mà còn cung cấp dinh dưỡng và chất xơ giúp ổn định đường huyết. Bài viết này sẽ gợi ý 10 món canh vừa ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe, dễ nấu và phù hợp với người tiểu đường.
Mục lục
Nguyên tắc lựa chọn các loại canh khi bị tiểu đường
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày là yếu tố tác động trực tiếp tới nồng độ đường trong máu của bệnh nhân tiểu đường. Sự lựa chọn thực đơn ăn uống rất quan trọng, làm thế nào để không ảnh hưởng đến đường huyết của mình là trăn trở của bất cứ người bệnh nào.
Trong các bữa ăn của người Việt, món canh là điều không thể thiếu. Khi chọn các món canh nói riêng, thực phẩm nói chung cho người bệnh tiểu đường cần phải được cân nhắc cẩn thận. Điều này giúp bạn nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật, chăm sóc sức khỏe tối ưu. Sau đây là 3 nguyên tắc chung mà bạn cần tuân thủ khi lựa chọn món canh cho người tiểu đường:
Món canh có hàm lượng calo vừa đủ
Thực tế, thừa cân béo phì là yếu tố làm hại hệ đề kháng insulin. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường đột biến cũng như khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn. Do đó, khi lựa chọn các món canh bạn nên chọn món có hàm lượng calo vừa đủ, không quá nhiều nhưng đủ cung cấp năng lượng cho một ngày hoạt động của cơ thể.
Thành phần các chất dinh dưỡng cân đối
Cần xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày đảm bảo cân đối giữa các nhóm chất bao gồm chất béo, chất đạm, chất bột, vitamin và khoáng chất. Thành phần quan trọng mà bạn cần chú ý là chất xơ, giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
Người bệnh tiểu đường cũng đừng quên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, hạn chế ăn các món canh có nhiều dầu mỡ. Thay vào đó là những món ăn thanh đạm, bổ sung lượng chất xơ dồi dào.
Nguyên liệu có chỉ số đường huyết thấp
Chỉ số đường huyết (GI) là thước đo khả năng làm tăng đường huyết của món ăn, thực phẩm nào đó trước khi ăn. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, người bệnh tiểu đường nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, dưới 55 nhằm mục đích không gây ảnh hưởng quá nhiều tới nồng độ đường trong máu. Điều này giúp quá trình hấp thu đường vào máu diễn ra chậm và ổn định hơn, giúp bạn hạn chế tình trạng đường tăng vọt, gây ra các biến chứng khôn lường.
Các thực phẩm trong nhóm này phải kể đến như các loại trái cây ít đường, các loại rau xanh… Bạn cũng nên chế biến đa dạng hóa bằng cách kết hợp giữa các món ăn có chỉ số đường huyết cao với thấp với nhau. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu của cá nhân bạn cũng như hiện trạng sức khỏe để phân bổ sao cho khoa học, hợp lý.
☛ Tham khảo thêm tại: Xây dựng chế độ ăn kiêng dành riêng cho người tiểu đường!
Giới thiệu các món canh tốt cho người bệnh tiểu đường
Dựa trên những nguyên tắc trên, Giaocolam.vn xin giới thiệu một số món canh phù hợp với người tiểu đường, giúp ổn định đường huyết và cải thiện sức khỏe.
1. Canh mướp đắng thịt bằm
Mướp đắng là loại quả mà người bệnh tiểu đường không nên bỏ qua bởi khả năng làm giảm lượng đường trong máu, giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng của tiểu đường, mỡ máu, huyết áp. Mướp đắng nấu thịt còn có tác dụng kích thích cơ thể tăng sản sinh hormone insulin, hạn chế gan tiết đường glucose, hỗ trợ tế bào hấp thu nhiều glucose hơn. Đây cũng là món ăn có tác dụng chống oxy hóa hiệu quả, ngăn chặn lão hóa xảy ra. Bạn đừng quên bổ sung món ăn này vào thực đơn hàng ngày nhé.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Mướp đắng (khổ qua) 150g
- Thịt lợn nạc xay 150g
- Mộc nhĩ 10g
- Hành lá, gia vị
Cách thực hiện:
- Mướp đắng rửa sạch, bỏ hạt, cắt thành từng khúc dài từ 3 – 5 cm
- Thịt nạc xay nhuyễn trộn thêm hành tím, mộc nhĩ, nêm gia vị vừa ăn.
- Nhồi thịt đã xay nhuyễn vào mướp đắng.
- Đun sôi lượng nước thích hợp, thả mướp đắng đã nhồi thịt vào cho tới khi chín mềm, thêm hành lá và gia vị vừa ăn thì tắt bếp.
Món canh mướp đắng nhồi thịt không chỉ thơm ngon, hấp dẫn là còn có tác dụng giảm lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tiểu đường hiệu quả.
2. Canh hẹ nấu tôm khô
Hẹ không chỉ là loại rau ăn thông thường mà còn chứa rất nhiều thành phần tốt cho bệnh nhân tiểu đường như chất xơ, vitamin C, vitamin PP có tác động tích cực vào quá trình hấp thu, chuyển hóa đường trong cơ thể.
Bên cạnh đó, hẹ còn có khả năng làm tăng độ nhạy của insulin với tế bào nên hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết. Hẹ còn giúp phòng ngừa rối loạn chuyển hóa lipid máu ở người bệnh đái tháo đường. Canh hẹ nấu với tôm không chỉ thanh mát mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Hẹ tươi 150g
- Tôm khô 30g
- Đậu phụ 2 tấm
- 1 quả cà chua, hành tím, gia vị.
Cách thực hiện:
- Hẹ tươi đem rửa sạch, thái khúc; tôm ngâm cho nở và giã nát; đậu phụ cắt thành nhiều hình vuông nhỏ, cà chua thái hình múi cau; hành tím băm nhỏ.
- Phi hành thơm với dầu ăn, cho tôm đã được giã vào xào cho tới khi có mùi thơm.
- Thêm nước và đun đến khi sôi, cho hẹ, đậu phụ cùng cà chua vào nồi nấu.
- Nêm nếm gia vị cho phù hợp, tắt bếp sau khi sôi khoảng 3 – 5 phút.
3. Canh cải xanh nấm hương
Cải xanh cùng nấm hương cung cấp chất xơ, dồi dào protein giúp cải thiện tình trạng đường huyết tăng, mỡ máu cao cho bệnh nhân tiểu đường. Nấm hương có chỉ số GI khá thấp (10 – 15), khi dung nạp vào cơ thể không làm tăng đường huyết. Nấm hương còn chứa hàm lượng vitamin B, polysacarit dồi dào có lợi cho người bệnh.
Trong khi đó, cải xanh có chứa hợp chất kích hoạt các enzyme bảo vệ tế bào, giúp cơ thể hạn chế các tổn thương do đường huyết tăng cao gây ra như loét bàn chân, tổn thương mạch máu, biến chứng về thần kinh…
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Rau cảnh xanh
- Nấm hương khô 50g
- 1 củ cà rốt
- Hành tím, gia vị vừa đủ
Cách thực hiện:
- Rau cải xanh rửa sạch, cắt khúc; nấm hương ngâm nở; hành tím băm nhỏ.
- Phi thơm hành tím cùng dầu ăn, cho nấm và cà rốt vào xào chín rồi tiếp tục cho rau cải xanh vào xào cùng.
- Thêm nước vừa đủ, đun sôi và nêm nếm gia vị vừa ăn, sau đó tắt bếp.
4. Canh tía tô nấu cùng rau thơm
Tía tô là loại rau gia vị khá phổ biến được sử dụng để gia tăng độ hấp dẫn của món ăn. Nó còn được coi là vị thuốc dân gian được sử dụng để chữa nhiều bệnh như giải cảm, ngộ độc, hen suyễn. Đối với bệnh nhân tiểu đường, tía tô cung cấp lượng chất xơ dồi dào, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả mà còn giúp kiểm soát tiểu đường, giảm nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Lá tía tô 30g
- Húng lùi, kinh giới, húng quế… mỗi loại 10g
- Tôm bóc vỏ 100g
- Gia vị vừa đủ
Cách thực hiện:
- Các loại rau thơm rửa sạch, tôm đem rửa sạch và giã nát
- Đun sôi tôm được gia vào nước, cho các nguyên liệu còn lại cùng gia vị vào nồi đun tới khi chín thì tắt bếp.
Món canh này có thể ăn từ 2 – 3 lần/tuần sẽ giúp cải thiện đáng kể triệu chứng của tiểu đường.
5. Canh vịt hầm hạt sen
Nếu bạn đang phân vân không biết nấu món canh nào cho người tiểu đường thì đừng bỏ qua canh vịt hầm hạt sen. Thịt và và hạt sen đều là những thực phẩm giàu protein, chất xơ nhưng lại ít chất béo nên rất phù hợp với người bệnh.
Hạt sen cũng có lượng natri thấp, magie cao nên có lợi cho bệnh tiểu đường. Bạn ăn thịt vịt bỏ da cùng hạt sen ở mức độ hợp lý sẽ cải thiện đáng kể nồng độ lipid trong máu và khả năng hoạt động của insulin.
Chuẩn bị:
- Hạt sen tách bỏ tim 150g
- Thịt vịt 350g
- Gia vị cần thiết
Cách thực hiện:
- Thịt vịt khử mùi bằng gừng và rượu, sau đó rửa sạch.
- Cho hạt sen cùng thịt vịt và gia vị vừa đủ vào nồi đất.
- Hầm cho tới khi chín nhừ, thơm ngon là có thể thưởng thức.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Các loại thịt cho người tiểu đường với chỉ số GI thấp!
6. Canh măng đậu hũ
Khi nhắc tới các món ăn tốt cho người tiểu đường không nên bỏ qua món canh măng đậu hũ. Đây là món ăn có hương vị lôi cuốn, hấp dẫn nhưng lại khá thanh đạm và tốt cho sức khỏe.
Măng có chứa ít calo, giàu protein, chất xơ cùng các vitamin và khoáng chất nên cso tác dụng tuyệt vời giảm thiểu lượng đường trong máu. Đậu hũ giúp giảm lượng cholesterol, đường huyết và cải thiện khả năng dung nạp glucose. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, mỗi ngày ăn 2 bìa đậu hũ sẽ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường, thậm chí nó còn giúp điều chỉnh nồng độ insulin của cơ thể về mức ổn định.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Măng khô
- Thịt lợn nạc
- Đậu hũ
- Hành, tỏi, gia vị vừa đủ
Cách thực hiện:
- Ngâm măng khô qua đêm, sau đó rửa sạch và xé thành sợi.
- Thịt lợn nạc, đậu phụ rửa sạch và cắt miếng vừa ăn.
- Hành tỏi đập dập, phi thơm với dầu ăn rồi cho thịt lợn vào xào sơ qua.
- Sau đó, cho măng vào xào chín rồi cho lượng nước tùy nhu cầu vào nồi.
- Nước sôi, cho thêm gia vị và cho hành lá vào là bạn đã hoàn thành món canh bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
7. Canh tim heo hầm với bắp chuối
Canh tim heo hầm bắp chuối là lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân tiểu đường kéo theo bệnh vành tim. Tim heo có hàm lượng cholesterol cao hơn các thực phẩm khác nhưng khi kết hợp với bắp chuối lại trở thành món ăn tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, bắp chuối lại dồi dào chất xơ giúp giảm lượng đường huyết đồng thời tăng nồng độ hemoglobin trong cơ thể bệnh nhân.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 1 cái tim heo
- Bắp chuối 100g
- Gia vị vừa đủ.
Cách thực hiện:
- Tim heo rửa sạch, lấy dao chẻ thành từng đường dọc theo quả tim để ngấm gia vị và nhanh chín hơn.
- Bắp chuối bào mỏng, rửa sạch và ngâm với muối sao cho bớt chát.
- Cho tim heo và bắp chuối vào nồi, đổ thêm nước và hầm nhừ.
8. Canh đậu đỏ khoai lang
Khoai lang và đậu đỏ đều có công dụng thanh nhiệt, dưỡng huyết, lợi tiểu… Món canh khoai lang đậu đỏ cung cấp nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa nên rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, nó còn giúp hạn chế các biến chứng của bệnh tim mạch do bệnh lý này gây ra.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Khoai lang 200g
- Đậu đỏ 200g
- Đậu đen 10g
Cách thực hiện:
- Đậu đỏ, đậu đen ngâm nước 3 tiếng rồi vớt ra.
- Khoai lang rửa sạch, cắt từng miếng
- Cho đậu vào hầm nhừ, sau đó cho khoai lang vào đun chín, thêm chút gia vị vừa miệng là xong.
9. Canh cải xoong nấu tôm
Rau cải xoong được biết đến giàu chất chống oxy hóa quercetin giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do, ngăn chặn quá trình chuyển hóa glucose thành fructose và sorbitol. Vì vậy, giúp giảm thiểu các tổn thương ở tế bào thần kinh, tránh nguy cơ tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể do tiểu đường gây nên. Tôm lại là nguồn dinh dưỡng giàu protein cho cơ thể. Canh cải xoong nấu tôm là món canh tốt cho bệnh nhân tiểu đường mà không sợ tăng đường huyết.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Cải xoong 300g
- Tôm tươi 150g
- Hành, gia vị vừa ăn.
Cách thực hiện:
- Nhặt sạch cải xoong, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi rửa sạch, vớt ra để ráo rồi cắt khúc vừa ăn.
- Tôm tươi rửa sạch, bóc vỏ rồi đập dập và ướp với chút gia vị.
- Cho nồi lên bếp, cho 2 muỗng dầu ăn vào làm nóng chảo rồi phi hành thơm, sau đó cho tôm vào xào chín.
- Cho khoảng 1 bát to nước lọc vào đun sôi, sau đó cho cải xoong vào và đảo đều để rau ngập trong nước sôi.
- Đợi khi nước sôi lại lần nữa thì nêm nếm gia vị vừa ăn và tắt bếp.
10. Canh bí đao nấu với rong biển
Bí đao kết hợp rong biển rất phù hợp với người bệnh tiểu đường kèm rối loạn mỡ máu và cao huyết áp. Món ăn này có tác dụng bổ sung vitamin C, cải thiện tình trạng tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và cân bằng đường huyết.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Bí đao 1/2 quả loại vừa
- Rong biển 150g
- 2 bìa đậu phụ
- Thịt nạc heo xay 100g
- Gia vị, hành tím
Cách thực hiện:
- Bí đao gọt vỏ, rửa sạch và cắt khúc vừa ăn.
- Rong biển ngâm nước khoảng 5 phút cho nở rồi cắt thành từng miếng
- Phi thơm hành tím rồi xào sơ với thịt, sau đó cho lượng nước vừa đủ vào đun sôi.
- Nước sôi thì cho bí và rong biển vào, đun khoảng 5 phút thì cho đậu phụ đã cắt nhỏ vừa ăn vào.
- Đun nước sôi trở lại rồi nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Top 12 thực phẩm giúp kiểm soát bệnh tiểu đường!