Xét nghiệm đường máu là một trong những cách làm để tầm soát và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Cầm trên tay tờ xét nghiệm với những con số và cái tên lạ lẫm khiến cho bạn cảm thấy lo lắng? Vậy thì bài viết này là dành cho bạn. Những thông tin dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách đọc, hiểu kết quả xét nghiệm bệnh tiểu đường một cách chuẩn xác.
Mục lục
Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa Carbohydrates trong cơ thể, đặc trưng bởi sự thiếu hụt hoặc đề kháng với hormon Insulin làm cho đường máu tăng cao mạn tính.
Bệnh tiểu đường là trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến các biến chứng nguy hiểm với cơ thể người bệnh như: Biến chứng hôn mê, biến chứng tim mạch, tăng huyết áp, nhiễm khuẩn, suy thận, biến chứng thần kinh, mạch máu…Cùng vô vàn những bệnh lý kèm theo.
Tính đến thời điểm năm 2030, ước tính trên thế giới sẽ có khoảng 600 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Trong khi đó, hiện nay cứ mỗi 32 giây lại trôi qua lại có một người phải cắt cụt chân vì bị tiểu đường. Những con số trên phần nào nói lên được mức độ nguy hiểm của bệnh.

Tại Việt Nam hiện nay, số người mắc bệnh đang ngày càng tăng lên và trẻ hóa dần. Do đó, việc khám bệnh và sàng lọc bệnh định kỳ có thể sớm phát hiện được bệnh và điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, giảm thiểu biến chứng do tiểu đường gây ra.
☛ Xem chi tiết trong bài: Hiểu đúng về tiểu đường!
Chỉ số tiểu đường là gì?
Chỉ số tiểu đường hay chỉ số xét nghiệm tiểu đường là con số biểu thị lượng đường có trong máu người được xét nghiệm.
Trong máu luôn luôn chứa một lượng đường nhất định, giúp nuôi dưỡng các cơ quan khi cần, đặc biệt là não bộ rất nhạy cảm với sự thiếu hụt năng lượng. Hormon Insulin có vai trò làm cầu nối để đưa đường từ máu vào trong tế bào nên có tác dụng làm giảm đường máu.
Bình thường chỉ số đường huyết ở người bình thường là 3.9-6.4 mmol/L. Tuy nhiên, chỉ số này sẽ dao động tùy theo từng thời điểm đo (kết quả Glucose huyết (Gl) đo được có sự khác nhau đôi chút giữa nhiều tài liệu), có 3 thời điểm mà chỉ số đường máu có sự dao động, cụ thể:
- Trước bữa ăn: Glucose máu từ 3.9-7.0 mmol/L.
- Sau bữa ăn từ 1 tới 2 tiếng: Glucose máu < 11 mmol/L.
- Buổi tối trước khi đi ngủ: Glucose máu vào khoảng 6.0-8.3 mmol/L.
Phân loại chỉ số xét nghiệm tiểu đường
Hiện nay, xét nghiệm bệnh tiểu đường gồm có 2 loại xét nghiệm cơ bản bao gồm: Chỉ số đường huyết (Gl) và chỉ số HbA1c .Kết quả của 2 nhóm xét nghiệm này sẽ bổ trợ cho nhau để chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Chỉ số đường huyết lại được chia thành 3 loại tương ứng với 3 xét nghiệm khác nhau bao gồm:
- Chỉ số đường trong máu lúc đói
- Chỉ số đường trong máu ngẫu nhiên
- Chỉ số đường trong máu khi làm xét nghiệm dung nạp Glucose
Các xét nghiệm khi khám sàng lọc bệnh, tốt nhất nên được thực hiện tại bệnh viện cũng như cơ sở y tế uy tín, có đủ trang thiết bị và đội ngũ y tế có đủ chuyên môn. Có như vậy kết quả bạn nhận được mới có giá trị chẩn đoán bệnh.
☛ Đọc thêm: Phương pháp chẩn đoán tiểu đường!
Chỉ số tiểu đường an toàn
Tùy vào từng đối tượng mà giá trị an toàn của chỉ số tiểu đường sẽ ở mức khác nhau. Theo tiêu chuẩn chăm sóc Đái Tháo Đường của ADA 2015, chúng ta sẽ có 2 nhóm đối tượng chính bao gồm:
Đối với người tiểu đường đang điều trị bằng thuốc thì chỉ số tiểu đường an toàn là:
- Đường huyết ngẫu nhiên: <180 mg/dL ( 10 mmol/l)
- Đường huyết lúc đói: 80 – 130 mg/dL ( < 7 mmol/l)
- Đường huyết 2 giờ sau bữa ăn: <180 mg/dL ( 10 mmol/l)
- HbA1C < 7 %
Đối với người bình thường, chỉ số tiểu đường an toàn là:
- Đường huyết ngẫu nhiên: <140 mg/dL ( 7,8 mmol/l)
- Đường huyết lúc đói: <100 mg/dL ( < 5,6 mmol/l)
- Đường huyết 2 giờ sau bữa ăn <140 mg/dL ( 7,8 mmol/l)
- HbA1C < 5,7 %
Làm thế nào để đo chỉ số bệnh tiểu đường chính xác?
Thực hiện đo chỉ số đường huyết một cách chính xác sẽ giúp bạn xác định được mình có mắc tiểu đường hay không, đồng thời kết quả này cũng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm thế nào để đo được chỉ số bệnh tiểu đường một cách chính xác.
Dưới đây là 4 cách giúp bạn làm được điều này:
Kiểm tra chỉ số đường huyết lúc đói
Kiểm tra chỉ số đường huyết lúc đói thường được thực hiện vào sáng sớm khi bạn vừa mới ngủ dậy hoặc sau khi bạn đã nhịn ăn sau 8 tiếng. Lúc này sẽ cho ra kết quả chính xác nhất của lượng đường trong máu.
Kiểm tra lượng đường huyết sau khi ăn 2 giờ

Đường huyết sau ăn là một giá trị phản ánh được nồng độ đường trong cơ thể có tăng lên hay không sau khi tiêu hóa một lượng thực phẩm nhất định.
Thông thường đối với người khỏe mạnh, sau khi ăn 2h, đường huyết sẽ giảm xuống dưới 140 mg/dL. Tuy nhiên, nếu sau ăn mà chỉ số này không giảm mà còn tăng lên cao hơn 140 mg/dL thì nguy cơ bạn bị tiểu đường.
Lượng đường trong máu sau ăn 2h tăng cao lâu dài sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm ở tim, mắt, thận, thần kinh.. Nặng hơn sẽ mù lòa, suy thận, đột quỵ, thậm chí gây tử vong. Không nên xem thường.
☛ Đọc thêm: Chỉ số đường huyết sau ăn bao nhiêu là ổn định?
Sử dụng máy đo đường huyết
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy đo đường huyết đến từ nhiêu thương hiệu khác nhau. Ưu điểm của máy đo đường huyết chính là độ tiện lợi, sử dụng dễ dàng và thời gian cho r kết quả nhanh và mức độ chính xác lên tới 99%.
Do đó, sắm một chiếc máy điện tử đo đường huyết sẽ rất tiện lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
Đến cơ sở y tế hoặc phòng khám để xét nghiệm tiểu đường
Cách cuối cùng nếu như bạn không tự tin việc tự đo chỉ số đường huyết một mình tại nhà thì có thể tìm đến các cơ sơ y tế hoặc phòng khám uy tín để được bác sĩ kiểm tra và thực hiện đo đường huyết cụ thể.
Hướng dẫn đọc chỉ số tiểu đường
Các chỉ số xét nghiệm bạn nhận được sau khi thực hiện sẽ giúp cho các bác sĩ đưa ra chẩn đoán phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của bạn. Dẫu vậy bạn cũng biết cách đọc và hiểu các chỉ số này để tự theo dõi sức khỏe của bản thân.
1. Chỉ số đường huyết là tiêu chí quan trọng nhất trong chẩn đoán
Bạn hãy cùng theo dõi 3 chỉ số đường máu trong các xét nghiệm sau đây.
➤ Xét nghiệm đường máu ngẫu nhiên
Khi thực hiện xét nghiệm, y tá sẽ lấy máu tĩnh mạch của bạn để tiến hành làm xét nghiệm, thời điểm lấy máu bất kì khi nào bạn đến khám.

Kết quả bạn nhận được nếu: Gl ≥ 11.1 mmol/L, thêm đó bạn có những triệu chứng của bệnh như đã nêu ở phần trước thì bác sĩ sẽ kết luận bạn mắc tiểu đường.
Nếu với kết quả như trên mà bạn không có triệu chứng của bệnh, bạn sẽ phải tiến hành xét nghiệm lần thứ 2. Kết quả Gl ≥ 11.1 mmol/L ở cả 2 lần thì mới đủ điều kiện kết luận bệnh cho bạn.
Trường hợp lần xét nghiệm sau mà Gl < 11.1 mmol/L chưa đủ căn cứ để chẩn đoán bệnh. Bạn sẽ được chỉ định thêm 2 xét nghiệm sau đây để có kết quả chính xác và sớm nhất.
➤ Xét nghiệm đường máu lúc đói
Điều kiện để thực hiện xét nghiệm này là lấy máu khi bạn đang đói, chưa ăn: Sau 6-8 tiếng sau bữa ăn, không ăn gì thêm từ sau bữa tối hôm trước đến không ăn bữa sáng hôm sau mới tiến hành lấy máu.
Xét nghiệm này bạn sẽ phải thực hiện trong 2 buổi sáng liên tiếp (buổi sáng là thời điểm lý tưởng cho xét nghiệm này).
Kết quả bạn nhận được: Nếu Gl từ 7.0 mmol/L trở lên ở cả 2 lần xét nghiệm liên tiếp thì bạn đã mắc tiểu đường.
Ngược lại, nếu kết quả Gl<7, trong khi bạn không có những triệu chứng của bệnh, thì xét nghiệm đường máu sau cùng sẽ được chỉ định thêm.
➤ Nghiệm pháp dung nạp Glucose
Để thực hiện nghiệm pháp này, bạn sẽ được cho uống 75g Glucose khan pha với 250-300ml nước lọc. Sau đó 2 tiếng bạn sẽ tiến hành lấy máu xét nghiệm để đánh giá khả năng dung nạp Glucose của cơ thể.
Kết quả mà bạn nhận được nếu chỉ số Gl từ 11.1 mmol/L trở lên thì bác sĩ sẽ kết luận bạn bị tiểu đường.
Nếu Gl nằm trong khoảng từ 7.8-11 mmol/L, thì cơ thể bạn bị giảm dung nạp Glucose và bạn sẽ được khuyến cáo theo dõi bệnh tiểu đường định kỳ.
Kết quả Gl<7.8 mmol/L thì đây là kết quả bình thường, cơ thể vẫn có khả năng dung nạp tốt Glucose.
Để xét nghiệm và có kết quả chẩn đoán xác định bạn có mắc bệnh tiểu đường hay không, các bác sĩ sẽ chỉ định lần lượt các xét nghiệm nếu cần. Bạn phải tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ như nhịn đói cùng một số lưu ý khác thì kết quả mới chính xác.
Thông thường với đặc tính tiến triển thầm lặng, lâu năm của bệnh đái tháo đường, bạn thường đi khám ở giai đoạn bệnh đã nặng thì chỉ cần làm một xét nghiệm là đủ căn cứ chẩn bệnh.Bạn không nhất thiết phải thực hiện cả 3 xét nghiệm này nếu một trong các kết quả đã đủ để chứng minh cho chẩn đoán bệnh tiểu đường.
2. HbA1c – Tiêu chuẩn mới để chẩn đoán và tiên lượng bệnh tiểu đường
Chỉ số HbA1c được Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào làm tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường. Chỉ số này nói lên mối liên quan giữa lượng đường trong máu gắn với hồng cầu. Nếu chỉ số đường máu cao thì đường gắn vào hồng cầu càng cao.
Với những ưu điểm hơn xét nghiệm đường máu như: Thực hiện được mọi thời điểm, không yêu cầu người bệnh nhịn đói, ít có sai số trong kết quả. Có thể đánh giá được sự kiểm soát đường máu của cơ thể từ 2-3 tháng gần nhất.

Nếu kết quả bạn nhận được chỉ số HbA1c từ 6.5% là đủ căn cứ để xác định bạn bị tiểu đường.
Nếu kết quả nhận được HbA1c >7.0% thì tiên lượng bệnh nhân có thể gặp những biến chứng rất nặng nề. Với 1% tăng thêm của chỉ số này tương ứng với 1.7 mmol/L đường huyết của bệnh nhân tăng thêm.
Với người bệnh không có những triệu chứng của bệnh cũng như có triệu chứng nhưng rất nghèo nàn thì phải làm xét nghiệm này ít nhất là 2 lần mới đi đến kết luận chính thức.
Nếu đường máu được kiểm soát đủ tốt, chỉ số HbA1c được giảm từ dưới 6.5% đến dưới 5.5% là bạn đã tự mình giảm tới 43% nguy cơ phải cắt cụt một phần chi thể, giảm 37% tiến triển đến suy thận, mù mắt cùng với nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: Suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
☛ Tham khảo đầy đủ tại: Ý nghĩa của HbA1c trong việc đánh giá bệnh tiểu đường
3. Tóm tắt các chỉ số xét nghiệm tiểu đường
Bình thường (mmol/L) |
Tiểu đường
(mmol/L) |
Ý nghĩa | |
Đường máu ngẫu nhiên | Gl < 11 | Gl ≥ 11.1 | Người bệnh được chẩn đoán bị tiểu đường khi có thêm các triệu chứng của bệnh |
Đường máu lúc đói | Gl < 7 | Gl ≥ 7.0 | Xét nghiệm liên tiếp 2 lần để chẩn đoán bệnh |
Nghiệm pháp dung nạp Glucose | Gl < 11 | Gl ≥ 11.1 | Đánh giá khả năng dung nạp Glucose của cơ thể |
Chỉ số HbA1c | HbA1c < 6.5% | HbA1c ≥ 6.5% | Khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể trong 2-3 tháng gần nhất |
Ai là người cần phải làm xét nghiệm tiểu đường?
Bệnh đái tháo đường có tiến triển thầm lặng, việc phát hiện sớm và điều kịp thời sẽ góp phần quyết định hiệu quả điều trị. Từ đó, ngăn chặn được nhiều biến chứng nguy hiểm.
-
Tầm soát tiểu đường
Đa số các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường thuộc tuýp 2 của bệnh, chiếm đến 80-90% tổng số ca mắc bệnh. Thường xảy ra với những người từ 30 tuổi trở lên.
Một số nhóm người bệnh nên tầm soát bệnh tiểu đường định kỳ:
- Người trên 30 tuổi
- Những người mà gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường
- Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ khi mang thai
- Người thừa cân, béo phì, vòng bụng quá cỡ
- Người mắc bệnh gan mãn tính
- Người bệnh cao huyết áp
- Người làm công việc ít vận động, phải làm đêm nhiều
- Một số nhóm khác…
Đây đều là những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao, cần phải theo dõi và định kỳ thăm khám từ 6 tháng đến 1 năm một lần. Các xét nghiệm và cơ sở vật chất hiện nay có độ chính xác cao và thời gian thực hiện nhanh chóng nên không làm mất thời gian của người bệnh.
☛ Tham khảo thêm tại: Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường
Lời kết
Với kết quả xét nghiệm bệnh tiểu đường trên tay. Hy vọng rằng bạn đã có thể hiểu được những chỉ số trong tờ xét nghiệm, tự đánh giá được tình trạng sức khỏe của mình. Tham khảo sự hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ nhận được lời khuyên hữu ích, qua đó kiểm soát được chỉ số đường huyết của mình góp phần đẩy lùi biến chứng nguy hại.
Đọc thêm tại đường dẫn này
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/diagnosis-treatment/drc-20371451
- https://www.endocrineweb.com/conditions/diabetes/who-should-be-tested-diabetes-how-diabetes-diagnosed