Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có 3,5 triệu người bị tiểu đường, 4,9 triệu người tiền tiểu đường và con số đang không ngừng tăng lên. Phân loại tiểu đường có nhiều loại nhưng chiếm phần lớn các ca mắc tiểu đường là phân loại tiểu đường type 2. Chúng ta cùng tìm hiểu đầy đủ về tiểu đường type 2 qua bài phân tích chi tiết này!
Mục lục
- Tiểu đường type 2 là gì?
- Nguyên nhân gây ra tiểu đường type 2
- Đối tượng nào dễ mắc tiểu đường type 2?
- Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2
- Biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
- Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Chẩn đoán tiểu đường type 2 bằng cách nào?
- Tiểu đường type 2 có chữa được không?
- Phương pháp kiểm soát tiểu đường type 2
Tiểu đường type 2 là gì?
Hiện nay, y học hiện đại chia tiểu đường thành nhiều loại: tiểu đường type 1, tiểu đường type 2, tiểu đường thai kỳ và các thể đặc biệt khác do hóa chất, thuốc, gen di truyền,… Trong đó 90-95% là tiểu đường type 2.
Trái với type 1 – cơ thể thiếu insulin thì ở type 2, bệnh nhân lại không thể hấp thụ được, tế bào của cơ thể kháng insulin dù nó vẫn được tiết ra với số lượng bình thường.
Xem thêm: [Thắc mắc] Tiểu đường tuýp 2 là bao nhiêu phẩy?
Nguyên nhân gây ra tiểu đường type 2
Đặc điểm quan trọng nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường type 2 là sự tương tác của yếu tố di truyền và môi trường.
Yếu tố di truyền
Hầu hết các trường hợp tiểu đường type 2 đều liên quan đến gen.
Ví dụ: Nếu một người trong cặp sinh đôi mắc bệnh tiểu đường, thì người còn lại có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đến tận 90%, trong khi tỷ lệ cho anh chị em trong một gia đình là 25-50%.
Yếu tố môi trường
Là nhóm các yếu tố bệnh nhân có thể can thiệp được để phòng và giảm thiểu các biến chứng. Các yếu tố môi trường có thể gây ra tiểu đường type 2 đó là:
- Sự thay đổi lối sống: giảm các hoạt động thể lực; thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tăng tinh bột, giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng.
- Chất lượng thực phẩm: ăn nhiều các loại carbohydrat hấp thu nhanh (đường tinh chất, bánh ngọt, kẹo…), chất béo bão hòa, chất béo trans…
- Các stress về tâm lý.
- Tuổi thọ ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao: Đây là yếu tố không thể can thiệp được.
☛ Chi tiết tại: Nguy cơ nào khiến bạn mắc tiểu đường type 2?
Đối tượng nào dễ mắc tiểu đường type 2?
Theo quan điểm bệnh học, các yếu tố nguy cơ của một người dẫn đến tiểu đường rất đa dạng. Hãy cùng điểm qua các nguy cơ bạn dễ mắc phải nhất:
- Thừa cân, béo phì: Xác định bạn có dính tình trạng này không thông qua chỉ số BMI (= cân nặng (kg)/ bình phương của chiều cao (cm)). Nếu BMI > 23 thì bạn có nguy cơ mắc tiểu đường.
- Tuổi ≥ 45
- Huyết áp trên 130/85 mmhg
- Trong gia đình có người đái tháo đường ở thế hệ cận kề (Bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột bị mắc bệnh đái tháo đường týp 2).
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc có tiền sử thai sản đặc biệt (đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường, sinh con to – nặng trên 3600 gam, sảy thai tự nhiên, thai chết lưu).
- Tiền sử được chẩn đoán mắc Hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường (Suy giảm đường huyết lúc đói, rối loạn dung nạp đường).
- Rối loạn Lipid máu.
- Lối sống không lành mạnh, ít tập thể dục và thường xuyên dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2
✔ Tiểu đường type 2 có các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường nói chung như:
- 4 nhiều: Đái nhiều, khát nhiều, ăn nhiều, gầy nhiều.
- Đái nhiều lần, hay tiểu đêm, viêm âm hộ, âm đạo, niệu đạo, bao quy đầu, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Ngủ lịm, người yếu, mệt.
- Các biến chứng mãn tính: Hôn mê, nhiễm toan ceton, bệnh lý mạch máu, tim, thận, thần kinh, bệnh mắt, nhiễm khuẩn, bệnh khớp.
✔ Giai đoạn khởi đầu của tiểu đường type 2 rất kín đáo, mọi người ít quan tâm và thường bị bỏ sót trong chẩn đoán.
✔ Khi bệnh sang giai đoạn đường máu tăng cao, có thể xuất hiện một số triệu chứng bao gồm tăng khát đi kèm tăng tần suất đi tiểu. Giảm cân nặng mặc dù gia tăng cơn đói đi kèm với mỏi mắt, mờ mắt.
✔ Các triệu chứng khác bao gồm nhiễm trùng thường xuyên, các vết loét lành lại rất chậm và xuất hiện các viền da màu tối.
Biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
Biến chứng mạn tính
- Biến chứng tim mạch: Tiểu đường type 2 làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.
- Biến chứng thận: Do ảnh hưởng gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hoặc suy thận.
- Biến chứng thần kinh: các biến chứng có thể bị gây ra bởi tiểu đường type 2 là tổn thương dây thần kinh, tê bì chân tay, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, tổn thương dây thần kinh sọ có thể dẫn đến sụp mi, lác trong, liệt mặt, và tổn thương dây thần kinh thực vật có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa.
- Biến chứng về thị giác: đây là biến chứng phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type 2, người bệnh có thể bị mắt kém hoặc thậm chí mù lòa, các bệnh lý về võng mạc bị gây ra bởi mức glucose trong máu cao liên tục cùng với huyết áp tăng và cholesterol cao
Biến chứng cấp tính
- Hạ đường huyết: Khi đường huyết để hạ xuống quá thấp dưới 3.6 mmol/L sẽ dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết, thường là do người bệnh ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá mức và uống nhiều rượu. Hạ đường huyết sẽ khiến người bệnh có cảm giác cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê, thậm chí tử vong.
- Hôn mê: Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, đây là biến chứng nặng nhất và rất dễ tử vong đòi hỏi người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
- Nhiễm toan ceton: là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa vì tăng nồng độ axit, đây là kết quả của những chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
☛ Đọc thêm: Bệnh tiểu đường type 2 nguy hiểm như thế nào?
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm mà bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây ra, tốt nhất bạn cần khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều này giúp bạn phát hiện và điều trị sớm tình trạng bệnh. Vậy khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
- Khi bạn xuất hiện các triệu chứng của tiểu đường tuýp 2 như: thường xuyên khát nước; đi tiểu nhiều; giảm cân nặng mặc dù gia tăng cơn đói đi kèm với mỏi mắt, mờ mắt; cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân của bạn,…
- Khi bạn thuộc nhóm người dễ có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 bao gồm: Người thừa cân béo phì, trong gia đình có người thân mắc tiểu đường hoặc người có lối sống không lành mạnh như lười vận động, thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá.
Chẩn đoán tiểu đường type 2 bằng cách nào?
Tiểu chuẩn chẩn đoán tiểu đường chung cho toàn thế giới theo WHO như sau:
- Mức glucose huyết tương lúc đói ≥7,0 mmol/l (≥126 mg/dl).
- Mức glucose huyết tương ≥ 11,1 mmol/l (200 mg/dl) ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống.
- HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol theo Liên đoàn Sinh hóa Lâm sàng Quốc tế IFCC).
- Có các triệu chứng của đái tháo đường (lâm sàng); mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kì ≥ 11,1 mmol/l (200 mg/dl).
Chỉ cần kết quả xét nghiệm có 1 trong 4 tiêu chí trên thì xin chia buồn. Bạn đã bị tiểu đường.
☛ Bài viết chi tiết: Các phương pháp chẩn đoán tiểu đường
Tiểu đường type 2 có chữa được không?
Nguyên nhân sâu xa “Vì sao tuyến tụy lại giảm sản xuất insulin, hoặc vì sao insulin làm việc chưa tốt” vẫn chưa có lời giải.
Vì vậy, cho đến thời điểm viết bài này, Y học chưa thể trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có các phương pháp kiểm soát bệnh.
Phương pháp kiểm soát tiểu đường type 2
Phương pháp không dùng thuốc
Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng bệnh tiểu đường tuýp 2 mà không cần dùng đến thuốc bằng cách kết hợp giữa lối sống sinh hoạt, chế độ ăn uống và thói quen luyện tập. Cụ thể:
Lối sống sinh hoạt
Lối sống sinh hoạt cũng là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của bệnh tiểu đường tuýp 2. Chính vì vậy, việc thiết lập một chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả. Cụ thể:
- Làm việc vừa sức, tránh căng thẳng mệt mỏi.
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tránh các loại đồ uống có cồn, đường và gas.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng nhiễm trùng: vệ sinh cơ thể và điều trị ngay các xây xát tay chân, vệ sinh răng miệng,…
- Giữ cho cân nặng ở mức ổn định bằng biện pháp giảm cân lành mạnh.
Chế độ ăn uống
Đường và tinh bột hấp thụ nhanh (cơm trắng, bánh mì trắng,…) là 2 nhóm thực phẩm mà người tiểu đường tuýp 2 cần đặc biệt chú ý để giảm thiểu trong mỗi bữa ăn của mình. Thay vào người bệnh nên ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, ngoài ra bổ sung protein từ thịt nạc, cá, các chế phẩm từ sữa tách béo để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể mà vẫn giữ mức đường huyết ở mức ổn định.
Thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp không nên có trong chế độ ăn của người tiểu đường. Ngoài ra bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 nên hạn chế đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
Hạn chế tối thiểu việc sử dụng các loại đồ uống kích thích như bia, rượu, cà phê và thuốc lá.
Ăn đủ bữa, tránh ăn quá no trong mỗi bữa ăn.
☛ Tham khảo đầy đủ: Chế độ ăn cho người tiểu đường type 2 chuẩn y khoa
Thói quen luyện tập
Luyện tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà nó còn là một biện pháp giúp giảm lượng huyết một cách đáng kể. Tốt nhất bạn nên dành 30 đến 60 phút để hoạt động thể chất mỗi ngày. Lựa chọn các bài tập phù hợp với sức lực và tình trạng bệnh của bạn bao gồm: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, cử tạ,…
Đối với những người bận rộn, không có thời gian luyện tập thể dục, bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày như: dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, đi bộ, leo cầu thang.
Phương pháp dùng thuốc
Kiểm soát tiểu đường tuýp 2 bằng phương pháp sử dụng thuốc là cách mà hầu hết tất cả người bệnh lựa chọn vì chúng đem lại tác dụng nhanh chóng và hiệu quả tốt.
Hiện nay có 2 dòng thuốc để điều trị tiểu đường tuýp 2 là thuốc uống và thuốc tiêm. Tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân cũng như mức độ bệnh, sự phù hợp với thuốc mà bác sĩ sẽ đưa ra các loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc phổ biến thường được dùng bao gồm:
- Sulfonylureas: Nhóm thuốc này giúp cơ thể bạn tạo ra nhiều insulin hơn.
- Meglitinides: Chúng giúp cơ thể bạn tạo ra nhiều insulin hơn, và chúng hoạt động nhanh hơn sulfonylurea.
- Thiazolidinediones: Có tác dụng làm giảm lượng đường huyết mà gan của bạn tạo ra và giúp cơ thể bạn phản ứng tốt hơn với insulin mà nó tạo ra. Nhưng chúng cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, vì vậy chúng thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị tiểu đường tuýp 2.
- Thuốc ức chế DPP-4: Những loại thuốc này giúp giảm lượng đường trong máu của bạn, nhưng chúng cũng có thể gây đau khớp và có thể làm viêm tuyến tụy của bạn.
- Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1. Bạn dùng kim tiêm những loại thuốc này để làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu.
- Thuốc ức chế SGLT2: Những chất này giúp thận tái hấp thu glucose vào máu và thải nó ra ngoài trong nước tiểu của bạn.
Không có cách chữa khỏi tiểu đường tuýp 2 triệt để nhưng cơ hội kéo dài tuổi thọ vẫn đang nằm trong tay bạn. Vì thế, bạn hãy tìm hiểu về bệnh của mình thật kỹ để có thể điều trị đúng cách và đạt hiệu quả cao nhất.
Lan Anh đã bình luận
điều trị tiểu đường tuýp 2 chỉ bằng thảo dược có hiệu quả không
Chuyên gia giaocolam.vn đã bình luận
Điều trị tiểu đường tuýp 2 chỉ bằng thảo dược có những hiệu quả nhất định. Song còn tùy thuộc vào tình trạng, cơ địa người bệnh. Nếu mới chớm tiểu đường tuýp 2, chỉ số đường huyết vượt mức bình thường không quá nhiều thì việc thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập + sử dụng thảo dược như giảo cổ lam sẽ hiệu quả mà không cần dùng thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên với người tiểu đường tuýp 2 có chỉ số đường huyết tăng cao bắt buộc phải sử dụng thuốc điều trị để giảm đường huyết về mức cho phép, kết hợp thảo dược để ổn định lâu dài.
Ngô Văn Giang đã bình luận
tôi nên đo đường huyết vào thời gian nào trong ngày cho kết quả chính xác
Chuyên gia sức khỏe đã bình luận
Chào bạn,
Đo đường huyết vào thời điểm nào trong ngày để có kết quả chính xác phụ thuộc vào mục đích đo và cách bạn thực hiện đo như thế nào. Ví dụ, đo đường huyết vào buổi sáng sau khi thức dậy và trước khi ăn gì giúp bạn biết mức đường huyết nền (mức đường huyết trước khi ăn hoặc uống gì). Đây cũng là thời điểm thích hợp để theo dõi các chỉ số sức khỏe tổng quát và kiểm tra kiểm soát tiểu đường.
Thiên Kim đã bình luận
Làm thế nào để đo đạc và kiểm soát đường huyết khi bị tiểu đường type 2?
Chuyên gia tư vấn đã bình luận
Chào chị Kim, hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại để đo đường huyết, chị hoàn toàn có thể tự đo tại nhà với một chiếc máy đo tiểu đường. Ngoài ra, chị cũng có thể kiểm tra nồng độ đường huyết tại phòng khám, bệnh viện hay trung tâm y tế.
Về cách kiểm soát tiểu đường type 2, phương pháp bền bỉ và hiệu quả nhất đó là thay đổi chế lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên, kết hợp với đó là sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.