Rượu bia là đồ uống không thể thiếu trong mỗi buổi gặp gỡ, liên hoan hay những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chúng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là hệ tuần hoàn. “Uống rượu bia có làm tăng huyết áp không?” là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là những người cao huyết áp. Cùng giaocolam.vn giải đáp thắc mắc này qua thông tin sau đây nhé.
Mục lục
Uống rượu bia có làm tăng huyết áp không?
Như chúng ta đã biết rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn đều gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Theo các chuyên gia tim mạch, thường xuyên uống rượu bia có thể làm tăng huyết áp ngay cả ở những người không có vấn đề về huyết áp.
Theo nghiên cứu quốc tế được công bố trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người trưởng thành không bị tăng huyết áp, chỉ số huyết áp của họ có thể tăng mạnh theo thời gian nếu dùng đồ uống có cồn thường xuyên. Ngay cả khi sử dụng rượu bia ở mức thấp cũng có liên quan tới sự gia tăng huyết áp và dẫn tới nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch cao hơn người không sử dụng.
Một người khỏe mạnh uống một vài ly rượu trong bữa liên hoan có thể khiến trị số huyết áp tăng lên tạm thời. Tuy nhiên, nếu uống với lượng quá nhiều và không kiểm soát trong một thời gian dài sẽ làm chỉ số huyết áp duy trì liên tục ở mức cao. Đặc biệt, với người đang điều trị cao huyết áp, uống rượu bia có thể thấy huyết áp và nhịp tim tăng cao hơn vào khoảng 1 – 2 ngày sau đó.
Uống nhiều rượu bia có tác động trực tiếp đến việc tăng huyết áp do cơ chế gây co mạch và tăng áp lực máu. Cụ thể, khi bạn tiêu thụ lượng lớn rượu, cơ thể sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm các mạch máu bị co lại. Điều này khiến máu khó lưu thông, buộc tim phải bơm mạnh hơn, dẫn đến áp lực trong thành mạch máu tăng cao – gây ra tình trạng tăng huyết áp. Bên cạnh đó, rượu còn ảnh hưởng đến khả năng thải nước và muối của thận, khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn, từ đó làm tăng thể tích máu và áp lực lên mạch máu.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa việc tiêu thụ rượu bia và tình trạng cao huyết áp. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hypertension chỉ ra rằng, những người tiêu thụ hơn 3 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn so với người uống ít hoặc không uống. Một nghiên cứu khác từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cũng xác nhận, tiêu thụ quá mức rượu bia có thể gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm, bao gồm tăng huyết áp, đột quỵ, và suy tim.
Rượu bia có liên quan trực tiếp tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, lạm dụng rượu bia là yếu tố dẫn tới các rối loạn chuyển hóa mỡ, đường, acid uric, tăng cân, béo bụng…; đây là nguyên nhân khiến huyết áp tăng lên. Nó góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…) ở người nghiện rượu.
Người cao huyết áp có được uống rượu bia?
Huyết áp cao là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch cao hơn so với mức bình thường. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm, có thể gây tổn thương tim, mạch máu, não cùng nhiều bệnh lý mạn tính khác. Theo thống kê, huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong trên thế giới.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người bệnh cao huyết áp cần hạn chế tối đa uống rượu bia. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại nước uống như nước lọc, nước ép trái cây… Sở dĩ, khuyến cáo người cao huyết áp không nên uống rượu bia bởi những lý do sau đây:
- Tăng huyết áp: Như đã trình bày phần trên, sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn gây áp lực lên hệ thống tuần hoàn gây tăng huyết áp. Đối với người cao huyết áp, việc tăng thêm áp lực này có thể dẫn tới các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…
- Ảnh hưởng đến tim mạch: Khi tiêu thụ rượu bia với lượng lớn, cơ thể phải đối mặt với tình trạng tăng áp lực máu kéo dài, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Điều này dẫn đến tình trạng dày cơ tim, dễ gây ra nhồi máu cơ tim và suy tim.
- Tác động tiêu cực lên hệ thần kinh: Chất cồn có trong bia rượu có tác động tiêu cực lên hệ thần kinh, gây căng thẳng và tăng huyết áp. Với người cao huyết áp, khi uống rượu bia có thể tăng nguy cơ biến chứng lên hệ thần kinh.
- Tác động xấu lên gan, thận: Khi huyết áp tăng cao do tiêu thụ rượu bia, không chỉ tim mà thận cũng phải chịu nhiều áp lực. Thận là cơ quan chịu trách nhiệm lọc máu và loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi huyết áp cao kéo dài, các mạch máu trong thận bị tổn thương, làm suy giảm chức năng lọc của thận.
- Tương tác với thuốc: Rượu bia có thể tương tác tiêu cực lên các loại thuốc đang điều trị huyết áp. Việc sử dụng cùng lúc thuốc và các loại đồ uống có cồn có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, tăng nguy cơ biến chứng.
Vì vậy, người cao huyết áp nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ rượu bia. Để duy trì mức huyết áp ổn định, ngăn ngừa các vấn đề tim mạch, việc sử dụng rượu bia cần phải được kiểm soát và được bác sĩ cho phép. Tuy nhiên, vẫn khuyến khích người cao huyết áp không nên dùng rượu bia để tránh gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Đồng thời, luôn theo dõi sức khỏe của mình, bất cứ khi nào thấy các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nói khó, đau tức ngực… cần phải kiểm tra ngay huyết áp và liên lạc với bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
☛ Tìm hiểu thêm tại: Các đồ uống dành cho người huyết áp cao
Rượu bia gây tăng huyết áp nguy hiểm như nào?
Bên cạnh mối quan tâm về “Uống rượu bia có làm tăng huyết áp hay không?” thì không ít bệnh nhân thắc mắc: “Uống rượu bia nguy hiểm như thế nào đối với người bị cao huyết áp?”. Điều này được giải đáp như sau: Theo các chuyên gia sức khỏe, lạm dụng rượu bia vô cùng có hại cho sức khỏe. Sử dụng nhiều rượu bia làm tăng huyết áp và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân cao huyết áp như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… ngay cả khi uống thuốc cũng không kiểm soát được tình hình.
Người cao huyết áp uống rượu bia làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Nguyên nhân do rượu khiến tim đập nhanh hơn, các mạch máu co lại làm huyết áp tăng lên. Khi huyết áp bị tăng vọt, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho tim mạch, điển hình là đột quỵ. Ngoài ra, nó còn gây tổn thương cho các cơ quan khác, phổ biến là gan, thận. Một số trường hợp, độc từ rượu bia tích lũy trong cơ thể gây viêm loét dạ dày, xơ gan, ung thư… Bên cạnh đó, sử dụng nhiều rượu bia là yếu tố nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa mỡ, đường, acid uric, tăng cân khó kiểm soát, béo bụng. Những rối loạn này thúc đẩy huyết áp tăng lên cao.
Cách hạn chế tăng huyết áp do uống rượu bia?
Để phòng ngừa tăng huyết áp do uống rượu bia, bạn cần thực hiện một số biện pháp sau:
1. Hạn chế hoặc tránh uống rượu bia
Uống rượu bia làm tăng chỉ số huyết áp và ảnh hưởng rất xấu tới bệnh cao huyết áp. Vì vậy, khi bạn được chẩn đoán cao huyết áp hoặc những yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh, việc hạn chế hoặc tránh uống rượu và bia là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng huyết áp cao.
2. Đặt mục tiêu cho lượng uống hợp lý
Nếu bạn quyết định uống, cần đặt mục tiêu cho một lượng uống hợp lý và tuân thủ nghiêm túc. Sự kiểm soát lượng uống có thể giúp bạn ngăn chặn việc tiêu thụ rượu bia quá mức, giảm nguy cơ huyết áp cao. Trong đó, mức tiêu thụ trung bình được coi là điều độ như sau:
- Nam dưới 65 tuổi: 2 đơn vị một ngày
- Nam trên 65 tuổi: 1 đơn vị một ngày.
- Phụ nữ: 1 đơn vị một ngày.
3. Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh
Một chế độ ăn uống cân đối, tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày là một phần quan trọng trong kế hoạch phòng ngừa huyết áp cao của bạn.
– Về chế độ ăn uống: Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu natri, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp. Thay vào đó, tăng cường bổ sung các loại rau và trái cây, thực phẩm giàu kali, canxi… Nếu gặp khó khăn khi lên thực đơn ăn uống, bạn có thể thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng hỗ trợ.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Huyết áp cao nên ăn gì, kiêng gì để ổn định?
– Về luyện tập: Thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày không chỉ giúp bạn giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn phòng ngừa huyết áp cao. Một số bộ môn như đi bộ, đạp xe, chạy, nhảy dây… đều có thể làm tăng nhịp tim và hô hấp, giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm áp lực lên mạch máu. Bạn nên có chế độ luyện tập phù hợp với sức khỏe của bản thân để kiểm soát huyết áp hiệu quả.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Bài tập dành cho người huyết áp cao
4. Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
Nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị huyết áp hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về việc sử dụng rượu bia. Chuyên gia về sức khỏe sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể cho bạn về cách kiểm soát tiêu thụ các loại đồ uống có cồn một cách an toàn.
5. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc uống rượu bia, hãy tìm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè thậm chí các nhóm hỗ trợ. Đôi khi, việc chia sẻ với người khác và nhận sự hỗ trợ sẽ giúp bạn duy trì một lối sống lành mạnh hơn.
6. Theo dõi huyết áp thường xuyên
Để giúp bạn kiểm soát tình trạng huyết áp của mình, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra bạn cần theo dõi huyết áp tại nhà hoặc thăm khám sức khỏe thường xuyên tại các cơ sở y tế.