Trái cây là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng dồi dào cho cơ thể. Lựa chọn đúng các loại trái cây phù hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe tim mạch và chỉ số huyết áp.
Mục lục
Huyết áp cao là tình trạng phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Khi máu bơm vào tim quá nhiều sẽ khiến cho động mạch thu hẹp lại, gây ra huyết áp cao.
Nguyên nhân gây ra cao huyết áp

Phần lớn các trường hợp tăng huyết áp đều không có nguyên nhân cụ thể, hay còn được gọi là tăng huyết áp vô căn( tăng huyết áp nguyên phát). Loại này chiếm 90-95%, có nguyên nhân là do di truyền và phổ biến nhiều hơn ở nam giới.
Còn lại 5-10% các trường hợp tăng huyết áp là hệ quả của một số bệnh lý, hay còn được gọi làt ăng huyết áp thứ phát. Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát có thể đến từ:
- Tuổi tác càng lớn, nguy cơ bị tăng huyết áp càng cao.
- Cân nặng: những người béo phì thường có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn người bình thường.
- Ăn mặn gây tăng huyết áp bởi muối làm tăng hấp thu nước vào máu.
- Chế độ ăn giàu chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình của bạn có người nào đó mắc bệnh cao huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ bị huyết áp cao.
- Chủng tộc: Một vài nhóm dân tộc được nghiên cứu là có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn, ví dụ như người Mỹ gốc Phi.
- Giới tính: Nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới sau 45 tuổi có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn nữ giời. Nữ giới có nguy cơ bị huyết áp cao sau giai đoạn mãn kinh.
- Lười vận động, hoàn toàn không tập luyện thể dục.
- Tiêu thụ quá mức bia, rượu.
- Mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch…
- Bệnh thận cấp tính hoặc mạn tính, hẹp động mạch thân, uy tủy thượng thận.
- Hội chứng Conn – cường Aldosteron tiên phát.
- Căng thẳng tâm lý: Áp lực liên tục khiến cho hệ thần kinh giảm sút, máu lưu thông cũng bị ảnh hưởng, từ đó gây huyết áp cao.
- Huyết áp cao có thể do việc bạn sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc cảm, kháng viêm Non-steroid, corticoid.
- Hội chứng Cushin.
- Nhiễm độc thai nghén.
Biến chứng nguy hiểm từ bệnh huyết áp cao
Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Những biến chứng này ảnh hưởng nặng đến người bệnh, thậm chí có thể gây tàn phế hoặc tử vong.
Những biến chứng nguy hiểm bệnh nhân cao huyết áp có thể gặp phải:
- Suy tim: Huyết áp cao tương đương với việc tim phải làm việc quá sức để bơm máu nuôi cơ thể, nếu không điều chỉnh sớm sẽ khiến tim to hơn, yếu dần gây suy tim.
- Suy thận: Cao huyết áp làm cho các mạch máu trong thận thu hẹp lại gây ra biến chứng suy thận.
- Phình động mạch: Không ít bệnh nhân huyết áp cao bị phình động mạch, chảy máu nội bộ, gây tình trạng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng.
- Đột quỵ, nhồi máu cơ tim: Bệnh nhân tăng huyết áp rất dễ có nguy cơ thành mạch bị xơ cứng, từ đó dẫn tới đột quỵ, đau tim, nhồi máu cơ tim.
- Biến chứng não: Có thể là các tình trạng như: xuất huyết não, nhồi máu não, mất trí nhớ do động mạch bị thu hẹp.
- Hội chứng chuyển hóa: Cụ thể như: rối loạn chuyển hóa của cơ thể như tăng nồng độ insulin, tích tụ nhiều mỡ thừa nhất là vị trí vòng eo, giảm HDL-C (cholesterol tốt)…
- Xuất huyết võng mạc: Huyết áp cao khiến cho các mạch máu trong mắt bị ảnh hưởng, dễ bị vỡ. Từ đó dễ khiến thị lực suy giảm, nguy hiểm hơn có thể mất hoàn toàn thị lực( mù lòa).
➤ Tìm hiểu thêm: Những nguy hiểm tiềm ẩn từ huyết áp cao
Người mắc bệnh cao huyết áp nên ăn trái cây gì?
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra một số trái cây giúp giảm huyết áp cao hiệu quả. Bạn có thể bổ sung chúng vào thực đơn hàng ngày để huyết áp nhanh hạ.
1. Quả mọng
Các loại quả mọng như: việt quất, dâu tây có chứa các hợp chất chống oxy hóa flavonoid như anthocyanil.
Nghiên cứu trên 34.000 người bị huyết áp cao chỉ ra rằng với những người có lượng anthocyanil hấp thụ cao nhất( chủ yếu từ dâu tây và việt quất) đã giảm 8% nguy cơ tăng huyết áp so với những người không hoặc hấp thụ ít anthocyanil.
Bổ sung quả mọng như một món ăn nhẹ, ăn trực tiếp hoặc thêm chúng vào các công thức sinh tố. Vì vậy, hãy thưởng thức quả mọng như một món ăn nhẹ hoặc món ngọt sau bữa ăn như một cách điều trị tăng huyết áp đơn giản. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm chúng vào sinh tố và bột yến mạch.
2. Chuối
Chuối là một loại trái cây nhiệt đới phổ biến ở nước ta. Loại quả này chứa nhiều tinh bột, pectin, các loại vitamin thiết yếu như vitamin A, B, C,… Đặc biệt, chuối tiêu giúp thanh nhiệt, giảm huyết áp và cholesterol trong máu. Các nghiên cứu đã chỉ ra hàm lượng kali trong chuối có khả năng giảm huyết áp. Khảo sát cũng cho thấy ở nhóm người thường xuyên ăn chuối tiêu từ 1-2 quả mỗi ngày có tỉ lệ tai biến mạch máu não do huyết áp cao thấp hơn hẳn so với những người không ăn chuối khoảng 23,6%.
Chuối ngoài ăn trực tiếp, bạn có thể dùng làm các món sinh tố. Hoặc vỏ chuối phơi khô sau đó sắc uống trong 2 tuần.
3. Kiwi
Nghiên cứu đã chỉ ra bổ sung một khẩu phần kiwi vào thực đơn hàng ngày có thể giúp giảm huyết áp ở những người huyết áp cao ở mức độ nhẹ.
Thí nghiệm so sánh giữa tác dụng của táo và kiwi đối với những người huyết áp cao cho thấy ăn 3 quả kiwi mỗi ngày trong 8 tuần giúp giảm huyết áp tương đương với việc ăn 1 quả táo mỗi ngày trong cùng khoảng thời gian.
Bên cạnh đó, kiwi cũng giàu vitamin C giúp cải thiện chỉ số huyết áp với những người tiêu thụ khoảng 500mg vitamn mỗi ngày trong khoảng 2 tháng.
4. Dưa hấu
Dưa hấu có chứa axit amin có tên là citruline, có tác dụng kiểm soát huyết áp cao. Cutriline giúp cơ thể sản xuất oxit nitric- giúp thư giãn mạch máu và giúp động mạch trở nên linh hoạt, hỗ trợ lưu lượng máu tuần hoàn và từ đó điều trị huyết áp cao.
Một cuộc nghiên cứu được thực hiện ở những người trưởng thành bị béo phì và tăng huyết áp nhẹ, khi họ bổ sung một khẩu phần dưa hấu hàng ngày cho kết quả hạ huyết áp ở động mạch cánh tay và mắt cá chân rõ rệt.
Bạn có thể lựa chọn ăn dưa hấu trực tiếp hoặc chế biến chúng thành salad hoa quả hoặc các món sinh tố cùng các các loại quả giàu dinh dưỡng khác.
5. Lựu
Một nghiên cứu năm 2012, khi cho những người tham gia thử nghiệm uống một cốc nước ép lựu mỗi ngày đều đặn trong một tháng có thể giúp điều chỉnh huyết áp ổn định hơn. Các nhà khoa học lý giải tác dụng của lựu với huyết áp đến từ hàm lượng lớn polyphenol có trong loại quả thơm ngon này.
Lựu ngoài việc bóc vỏ ăn trực tiếp có thể làm nước ép lựu, salad lựu, cocktail lựu,…
Cách làm sinh tố lựu:
- Nguyên liệu: 2 trái lựu chín, 1 trái chanh vàng, 1 muỗng đường
- Cách thực hiện: Lựu bỏ vỏ, lấy hạt. Chanh rửa sạch, cắt lát. Cho hạt lựu vào máy say sinh tố say thật nhuyễn, thêm vào một muỗng đường, sau đó lọc bằng rây để lấy phần nước. Rót ra ly sau đó thêm vài lát chanh cùng đá là có thể thưởng thức.
6. Táo, lê
Táo là trái cây chứa hơn 10 loại dinh dưỡng quan trọng như axit malic, axit citric, các loại vitamin A, B, C,… Ăn một quả táo mỗi ngày giúp bạn cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ chống xơ vữa động mạch. Nghiên cứu mới đây cũng đã chỉ ra tác dụng của táo đối với việc ổn định huyết áp, đặc biệt là với những người có thói quen ăn mặn. Táo có hàm lượng kali dồi dào có thể giúp đào thải natri dư thừa khỏi cơ thể. Đây thực sự là thực phẩm có ích cho bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành và huyết áp cao.
Lê là trái cây có tác dụng thanh nhiệt, giảm lo âu, hạ huyết áp. Đặc biệt với những ai có huyết áp cao đi kèm các chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, hồi hộp đánh trống ngực thì nên bổ sung loại quả này hàng ngày.
Hãy thêm táo, lê hay chế biến các thức uống thơm ngon từ chúng bổ sung vào thực đơn hàng ngày của bạn để ngăn ngừa huyết áp cao hiệu quả.
7. Nho
Trong nho có chứa nhiều vitamin nhóm B, vitamin C, caroten, các chất chống oxy hóa và các hợp chất phenol. Nho là nguồn thực phẩm dồi dào kali, giúp giảm huyết áp hiệu quả, lợi niệu. Bạn có thể bổ sung nho tươi hoặc nho khô đều được.
Nho là thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch. Chất chống oxy hóa flavonoid có nhiều ở vỏ, hạt nho. Hiện nay, người ta dùng chiết xuất hạt nho để hạ đường huyết, hạ huyết áp và điều trị các bệnh lý về tim mạch như bệnh động mạch vành, suy tĩnh mạch mãn tính.
8. Cam, quýt
Cam quýt là loại trái cây phổ biến, có chứa nhiều vitamin C, axit citric, và rất nhiều hoạt chất sinh học khác thiết yếu đối với cơ thể. Đặc biệt với những bệnh nhân huyết áp cao do viêm gan mạn tính, trái cây họ cam quýt có tác dụng tăng cường khả năng giải độc của gan, ngăn xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, chúng cũng giúp cải thiện hệ miễn dịch, kích thích hệ tiêu hóa và giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa.
9. Bơ
Bơ có chứa hàm lượng kali, các chất chống oxy hóa và vitamin phong phú. Caroten lutein có trong bơ giúp bảo vệ thị lực, giảm nguy cơ đột quỵ. Lương kali và chất chống oxy hóa ở bơ giúp ngăn ngừa huyết áp cao, axit olecic có trong bơ giúp hạ cholesterol máu, giảm căng thẳng và chống viêm. Ngoài ra, bơ còn giúp phòng chống bệnh tiểu đường, các bệnh về đường ruột.
10. Xoài
Trong xoài có chứa chất xơ và beta-carotene, cả hai chất dinh dưỡng này rất hiệu quả trong việc hạ huyết áp. Ngoài ra, ăn xoài còn có thể làm đẹp da, cải thiện trí nhớ, phòng ngừa tiểu đường, ngăn ngừa đột quỵ, giúp tăng cường hệ miễn dịch và tốt cho sức khỏe của mắt.
Trên đây là 10 loại trái cây có thể giúp ích cho việc cải thiện số đo huyết áp của bạn. Hãy bổ sung chúng vào thực đơn hàng ngày một cách khoa học. Bên cạnh đó, để huyết áp giữ được sự ổn định, bạn cũng cần giữ chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng hợp lý và tăng cường thể dục thể thao.