Tâm sen là thảo dược quý từ lâu được biết đến với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Nhưng liệu tâm sen có thực sự an toàn và hiệu quả đối với người cao huyết áp? Để giải đáp cho câu hỏi “Huyết áp cao có uống được tâm sen không?” mời bạn đọc cùng Giaocolam.vn phân tích chi tiết ngay dưới đây nhé!
Mục lục
Tác dụng của tâm sen đối với sức khỏe
Trước khi giải đáp “Bị huyết áp cao có uống tâm sen không?” mời bạn đọc cùng tìm hiểu về tâm sen và những công dụng của nó đối với sức khỏe nhé.
Tâm sen hay có các tên gọi khác là tim sen, liên tử tâm, liên tâm, tên khoa học là Plumula Nelumbinis. Đây là phần mầm màu xanh ở bên trong của hạt sen, với phần trên là chồi mầm có màu xanh lục đậm gồm 4 chiếc lá nón úp vào trong, phần dưới là thân mầm và rễ hình trụ có màu vàng nhạt.
Theo y học cổ truyền, tâm sen có vị đắng tính hàn, không độc có tác dụng thanh tâm, an thần, chữa mất ngủ, khát nước sau đẻ do hư nhiệt, giải nhiệt, trừ cảm nắng, thanh nhiệt cơ thể. Tâm sen thường dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Theo y học hiện đại, trong tâm sen có chứa nhiều hoạt chất asparagine, liensinin, nuciferin và nelumbin … đều tốt cho sức khỏe. Nhờ những hoạt chất này, tâm sen thường dùng hạ huyết áp, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim, cải thiện thiếu máu cơ tim.. Cụ thể:
- Hỗ trợ cải thiện giấc ngủ: Các hoạt chất có trong tâm sen như asparagin, alkaloid (liensinin, nuciferin và nelumbin) giúp an thần, dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
- Ổn định huyết áp: Tâm sen có chứa các hoạt chất quý có cơ chế làm giảm áp lực của mạch máu tác động lên thành động mạch và giảm trở lực huyết quản nên giúp hạ huyết áp hiệu quả. Tâm sen còn có tác dụng tăng lượng oxy cho tim, hạn chế thiếu máu cơ tim, cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành…
- Hỗ trợ cải thiện tiểu đường: Do chứa hoạt chất alkaloid nên nhâm nhi ly trà tâm sen sau ăn giúp bạn hạn chế tình trạng tăng đường huyết.
- Hạn chế xuất huyết: Chất quercetin và flavonoid có trong tâm sen giúp kiểm soát tình trạng chảy máu trong các mao mạch đồng thời tăng độ bền cho thành mao mạch.
- Giảm căng thẳng, mệt mỏi: Hoạt chất isoliensinine và liensinin có trong tâm sen giúp cải thiện tình trạng căng thẳng mệt mỏi, tăng độ tập trung khi làm việc. Đồng thời, tâm sen còn có chức năng giảm mỡ hạn chế tích tụ các loại mỡ xấu không tốt cho cơ thể.
- Hỗ trợ giảm cân: Chất L-carotene trong tâm sen giúp cơ thể hạn chế hấp thu chất béo, carbs không tốt nhờ đó tăng cường trao đổi chất, giúp giảm cân hiệu quả. Dùng tâm sen hàng ngày vừa giúp giữ dáng vừa giúp tăng cường sức khỏe.
Huyết áp cao có uống được tâm sen không?
Cao huyết áp là tình trạng áp lực máu đẩy lên thành động mạch cao hơn mức bình thường, điều này được xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu vượt quá 140mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương vượt quá 90 mmHg. Tuy không gây ra triệu chứng rõ ràng ban đầu nhưng nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe như đột quỵ, tổn thương thận và nhiều vấn đề khác. Vì vậy, điều trị huyết áp cao là một vấn đề rất quan trọng giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Với thắc mắc “Bị huyết áp cao có uống được tâm sen không?” Câu trả lời là “CÓ”. Người bị huyết áp cao có thể sử dụng trà tâm sen, loại trà này không chỉ giúp hạ huyết áp mà còn có tác dụng ổn định tim mạch nhờ các hoạt chất tự nhiên như alkaloid và flavonoid. Những thành phần này giúp thư giãn mạch máu, cải thiện tuần hoàn và giảm căng thẳng, đồng thời hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn. Đặc biệt, việc uống trà tâm sen đều đặn còn giúp kiểm soát các triệu chứng nguy hiểm của huyết áp cao như đau đầu, chóng mặt, và hồi hộp.
Tâm sen (tâm của hạt sen) được sử dụng trong y học cổ truyền để giảm căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ, nhưng các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng nó có thể giúp hạ huyết áp. Các thành phần hoạt tính chính của tâm sen, bao gồm alkaloid nuciferine và neferine, đã được nghiên cứu vì khả năng thư giãn mạch máu và cải thiện tuần hoàn máu, từ đó có tác dụng hạ huyết áp.
Một nghiên cứu vào tháng 11 năm 2016 được công bố trên Tạp chí Y học Tự nhiên Trung Quốc đã cho thấy rằng chiết xuất từ hạt sen có tác dụng giảm đáng kể mức huyết áp. Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng tâm sen giúp ức chế hoạt động của một số enzyme tham gia vào quá trình co bóp mạch máu, từ đó làm giảm áp lực máu.
Cũng theo y học hiện đại, các hoạt chất Nuciferin, Liensinin, Nelumbin… có trong tâm sen mang lại tác dụng ổn định và kéo dài giấc ngủ. Do đó, nếu bệnh nhân cao huyết áp bị mất ngủ, ngủ không sâu giấc khi sử dụng tâm sen giúp cải thiện vấn đề này.
Với những lợi ích trên, người cao huyết áp hoàn toàn có thể dùng tâm sen để cải thiện tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý các liệu pháp thảo dược không thể thay thế hoàn toàn các liệu pháp chữa bệnh mà bác sĩ chỉ định. Nếu đang bị huyết áp cao và muốn dùng tâm sen, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng để tránh tương tác với thuốc và gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
☛ Tham khảo thêm tại: Người bị cao huyết áp nên uống gì?
Hướng dẫn sử dụng tâm sen cho người huyết áp cao
Có 2 cách phổ biến dùng tâm sen cho người huyết áp cao là pha trà và dùng chế biến món ăn. Nếu chưa biết cách sử dụng loại thảo dược này, cùng tham khảo các cách thực hiện sau đây nhé.
1. Pha trà tâm sen
Trà tâm sen độc vị:
- Chuẩn bị 2 – 3g tâm sen khô, nước sôi khoảng 300ml.
- Rửa sạch tâm sen, tráng ấm và tách trà bằng nước nóng để giữ nhiệt độ nước khi pha trà có hương vị ngon nhất.
- Dùng 20ml nước sôi để ngâm trà và lọc bỏ nước trà lần 1.
- Sau đó, đổ nước sôi vào trà và hãm trong khoảng 10 phút (không nên để quá lâu trà sẽ đắng và khó uống).
- Ngày uống 1-2 lần.
Trà tâm sen phát huy hiệu quả tốt nhất khi dùng nóng hoặc nguội, hạn chế thêm đường hoặc đá.
Trà tâm sen – mật ong:
Kết hợp tâm sen với mật ong giúp bạn có thức uống vừa ngon mà lại tốt cho sức khỏe. Vị đắng của tâm sen được vị ngọt của mật ong làm dịu bớt giúp ly trà có hương vị lôi cuốn hơn. Cách pha trà tâm sen – mật ong khá đơn giản như sau:
- Đun sôi 500ml nước để nguội về 95 độ C.
- Dùng nước sôi tráng tách trà và ly một lượt.
- Cho 3g tim sen vào tách trà rồi cho 1 ít nước nóng vào lắc nhẹ rồi đổ nước đầu tiên đi.
- Tiếp theo cho 200ml nước vào tách trà tim sen và đợi chừng 5 phút.
- Sau 5 phút bạn gạn trà lấy nước rồi pha thêm 1 thìa mật ong vào rồi khuấy đều là bạn đã có một ly trà tâm sen thơm ngon.
Trà tâm sen – hoa hòe – hoa cúc vàng:
Theo đông y, nụ hoa hòe có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cải thiện giấc ngủ. Hoa cúc an thần, giúp ổn định huyết áp và ngủ ngon. Một tách trà tâm sen kết hợp hoa hòe, hoa cúc vàng không chỉ giúp bạn cải thiện giấc ngủ mà còn hỗ trợ giảm huyết áp an toàn.
Các bước pha trà như sau:
- Chuẩn bị 3 – 5g tim sen, hoa hòe khô 10g, hoa cúc khô 5g.
- Cho tất cả nguyên liệu vào ấm, thêm nước nóng và lắc nhẹ rồi bỏ nước đầu.
- Cho thêm 500ml nước sôi vào hãm trà trong 15 phút, lấy nước uống hàng ngày.
2. Cháo tâm sen
Ngoài cách pha trà tâm sen bạn có thể thêm tâm sen để nấu cháo giúp cải thiện huyết áp cao. Cách thực hiện như sau đây:
- Chuẩn bị 5g tâm sen, 100g gạo tẻ.
- Vo sạch gạo rồi cho vào nồi ninh nhừ thành cháo cùng với tâm sen.
- Khi cháo chín bạn cho thêm chút đường phèn (tùy khẩu vị từng người), chia thành nhiều phần trong ngày.
☛ Tham khảo thêm tại: Huyết áp cao nên ăn gì, kiêng gì để ổn định?
Lưu ý khi dùng tâm sen cho người huyết áp cao
Dùng tâm sen cho người huyết áp cao cần tuân thủ theo một số lưu ý sau đây nhằm đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao nhé.
- Dùng đúng liều lượng và thời gian: Mặc dù tâm sen mang lại nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng không nên lạm dụng nhiều. Chỉ sử dụng tối đa 5g trà tâm sen một ngày và tối đa 5 ngày/tuần. Nếu dùng quá nhiều và trong thời gian dài có thể gây rối loạn tiêu hóa, đi lỏng mãn tính.
- Thời điểm uống tâm sen: Tốt nhất bạn nên uống sau bữa ăn, hạn chế uống khi bụng đang đói. Không nên dùng tâm sen khi bạn đang trong tình trạng mất nước, mệt mỏi. Trong trường hợp không khỏe bạn nên tạm ngưng dùng tâm sen và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Đối tượng không dùng tâm sen: Người có tỳ vị suy nhược, người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mạn tính, người huyết áp thấp, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em…
- Lựa chọn tâm sen chất lượng: Cần đảm bảo mua tâm sen ở địa chỉ tin cậy và đảm bảo chất lượng, tránh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị mốc hỏng. Tâm sen cần bảo quản chỗ khô ráo, thoáng khí và tránh ánh nắng mặt trời.
- Tư vấn bác sĩ trước: Trước khi dùng tâm sen, bạn nên thảo luận với bác sĩ của mình về ý định sử dụng thảo dược này để quản lý huyết áp. Đặc biệt, người bệnh huyết áp cao không nên coi đây là phương pháp điều trị chính mà chỉ là biện pháp hỗ trợ.
- Theo dõi sức khỏe: Trong quá trình dùng tâm sen bạn cần theo dõi sức khỏe của mình. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, hãy ngưng sử dụng và liên hệ ngay với bác sĩ.
- Theo dõi huyết áp: Khi sử dụng tâm sen thường xuyên hãy theo dõi chỉ số huyết áp của mình. Điều này giúp bạn theo dõi sự thay đổi của huyết áp và đảm bảo rằng tâm sen có hiệu quả trong việc giảm huyết áp hay không.
Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp “Huyết áp cao có uống được tâm sen không?”. Để đảm bảo hiệu quả cũng như hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế khi sử dụng loại thảo dược này nhé.