Số ca mắc và tử vong do tiểu đường đang tăng lên chóng mặt. Một thực trạng là người tiểu đường tại Việt Nam có đến 65% không phát hiện mình mắc bệnh và 85% ca bệnh được phát hiện đã xảy ra các biến chứng. Vậy dấu hiệu bệnh tiểu đường nào có thể giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm để phòng ngừa biến chứng xảy ra?
Mục lục
Tiểu đường là bệnh gì?
Tiểu đường hay còn có tên gọi khác là đái tháo đường, một bệnh lý mạn tính với đặc điểm là chỉ số đường huyết trong cơ thể bạn luôn cao hơn người bình thường do cơ thể bạn bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Tiểu đường hiện là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn phế trên thế giới. Các tổ chức y tế thế giới dự báo trong 20 năm từ 2010-2030 tỷ lệ mắc tiểu đường trên toàn cầu tăng khoảng 54% thì tại Việt Nam chỉ trong 10 năm vừa qua đã tăng tới 200%.
Tiểu đường có nhiều type với các cơ chế sinh bệnh khác nhau. Các loại tiểu đường bao gồm:
- Tiểu đường type 1: tuyến tụy không thể sản xuất ra insulin – hormon chịu trách nhiệm chuyển hóa đường thành năng lượng; khiến người bệnh bị thiếu hụt insulin. Đường được thu nạp vào cơ thể không chuyển hóa được thành năng lượng nên khiến lượng đường trong máu tăng vọt không kiểm soát được. Tiểu đường type 1 chủ yếu do di truyền.
- Tiểu đường type 2: xảy ra phổ biến nhất, khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin hoạt động không đúng chức năng thậm chí kháng lại insulin. Kết quả dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Tiểu đường type 2 do nhiều nguyên nhân như lối sống, ăn uống, trọng lượng cơ thể, độ tuổi, di truyền.
- Tiểu đường type 3: xảy ra do tổn thương ở tụy kết hợp với não bộ không sản xuất đủ insulin. Mức độ tổn thương não phụ thuộc vào việc sản xuất insulin não. Xảy ra ở người có trọng lượng cơ thể cao, lối sống ăn uống không khoa học, thường xuyên bị stress trầm cảm.
- Tiểu đường thai kỳ: xảy ra khi mang thai, là tình trạng đái tháo đường tạm thời, liên quan đến sự đề kháng insulin.
➤ Xem chi tiết: Cơ chế bệnh sinh tiểu đường
Vậy làm thế nào để phát hiện tiểu đường sớm? Cách phát hiện điển hình là dựa vào triệu chứng cảnh báo nguy cơ mắc bệnh. Cùng theo dõi ở nội dung tiếp theo!
Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tiểu đường
Như đã nói ở trên, tiểu đường có nhiều dạng khác nhau. Mỗi type lại có những triệu chứng điển hình riêng. Cụ thể:
Triệu chứng tiểu đường type 1
Đối với người mắc tiểu đường type 1, triệu chứng biểu hiện rất rõ ràng bao gồm:
- Tiểu nhiều, khát nhiều: Đây là triệu chứng, biểu hiện đầu tiên và rõ nhất ở người tiểu đường tuýp 1. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao dẫn đến thận sẽ cần phải làm việc nhiều hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể do đó người bệnh đi tiểu nhiều lần. Hệ lụy kéo theo là khiến cơ thể mất nước, từ đó sinh ra cảm giác khát nhiều.
- Ăn nhiều, đói nhiều: Insulin không được sản xuất dẫn đến hormon này bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến cho đường không thể chuyển hóa thành năng lượng cho các cơ quan tế bào sử dụng. Cơ quan trong cơ thể bị cạn kiệt năng lượng, kích thích lên thần kinh trung ương gây cảm giác đói. Tuy nhiên do đường trong thức ăn không thể tạo năng lượng cho các mô vì thiếu insulin chính vì vậy dù ăn rất nhiều nhưng người bệnh vẫn thấy đói.
- Giảm cân: Ăn nhiều hơn nhưng lại vẫn bị giảm cân, nguyên nhân là do thức ăn không chuyển hóa được thành glucose, khiến cơ thể không thể tạo năng lượng từ thức ăn mà buộc phải dùng nguồn khác để tạo ra năng lượng, và nguồn dinh dưỡng đó đến từ mỡ. Điều này lý giải cho tình trạng sụt cân không lý do ở bệnh nhân tiểu đường.
- Cơ thể mệt mỏi kéo dài: Người tiểu đường sẽ thường xuyên cảm thấy mệt, yếu và thiếu năng lượng, không muốn làm gì. Nguyên nhân là do cơ thể bị thiếu năng lượng do thiếu hụt insulin. Không có năng lượng, cơ thể sẽ không hoạt động dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài.
- Nhìn mờ: Lượng đường trong máu cao làm ảnh hưởng đến các mạch máu ở mắt khiến thị lực suy giảm, dẫn đến nhìn mờ.
➤ Đọc chi tiết trong bài viết: Bệnh tiểu đường type 1
Triệu chứng tiểu đường type 2
Nếu như tiểu đường type 1 triệu chứng rất rõ ràng thì tiểu đường type 2 các triệu chứng không xuất hiện ồ ạt như vậy. Cụ thể, ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng khá nhẹ nên bạn không nhận ra.
Cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn đường máu tăng cao, có thể xuất hiện các triệu chứng điển hình giống với tiểu đường tuýp 1 như:
- 4 nhiều: Tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều, gầy nhiều.
- Cơ thể mệt mỏi: Thiếu hụt insulin ở tiểu đường tuýp 2 khiến cơ thể thiếu đường, từ đó người bệnh trở nên mệt mỏi và dễ cáu kỉnh.
- Mắt nhìn mờ: Lượng đường trong máu quá cao, chất dịch có thể bị đẩy ra khỏi thủy tinh thể. Điều này thể ảnh hưởng đến tiêu điểm của bạn.
Ngoài ra, tiểu đường tuýp 2 còn xuất hiện thêm các triệu chứng khác, bao gồm:
Tê tay chân: Lượng đường trong máu cao làm tổn thương đến các dây thần kinh ngoại vi, khiến người bệnh mất cảm giác, thay vì cảm nhận được những cơn đau, người bệnh chỉ cảm nhận được những cơn tê bì tay chân.
Vết thương lâu lành: Lượng đường trong máu cao khiến máu lưu thông kém, làm hạn chế hoạt động của các tế bào hồng cầu, bạch cầu. Điều đồng nghĩa với việc các chất dinh dưỡng không được cung cấp đủ đến vết thương. Từ đó, vết thương ở bệnh nhân tiểu đường thường lâu lành hơn so với người bình thường.
Nhiễm trùng thường xuyên: Nồng độ đường cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do đó, chỉ xuất hiện một vết xước nhỏ cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Da sẫm màu: Một số người bị tiểu đường týp 2 có các mảng da màu tối, da thẫm ở chỗ nếp gấp, thường là ở nách và cổ. Tình trạng này cũng được gọi là chứng gai đen, có thể là dấu hiệu kháng insulin.
➤ Đọc chi tiết tại: Bệnh tiểu đường type 2- bệnh thời đại mới
Triệu chứng tiểu đường type 3
Do tiểu đường type 3 có liên quan đến não bộ nên ngoài các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường như tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều, đói nhiều thì người bệnh còn gặp phải tình trạng trí nhớ bị suy giảm. Cụ thể:
Suy giảm trí nhớ
Thiếu hụt insulin sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành ký ức mới ở não, từ đó làm suy giảm trí nhớ – đây là triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường tuýp 3.
Suy giảm trí nhớ kiến người bệnh không thể nhớ rõ việc mình đã làm, đôi khi nhầm lẫn các công việc với nhau và giảm khả năng nhận thức dựa trên thông tin.
Tình trạng này đem lại những phiền toái, ảnh hưởng đến công việc và đời sống thường ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với hệ thần kinh.
Mất trí nhớ hoàn toàn
Ở mức độ nặng hơn, nếu cơ thể hoàn toàn không thể tự sản xuất Insulin (ở cả tụy và não) thì người bệnh có khả năng mất trí nhớ hoàn toàn. Nói cách khác là não hoàn toàn không thể tái hiện lại ký ức mới.
Triệu chứng này giống với căn bệnh Alzheimer nên tốt nhất người bệnh phải làm xét nghiệm chụp MRI mới có thể phát hiện được bệnh
➤ Đọc tìm hiểu thêm trong bài viết: Bệnh tiểu đường type 3 là gì?
Triệu chứng tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với triệu chứng gặp ở người mang bầu. Chính vì vậy các bà bầu đều được khuyên nên tầm soát tiểu đường thai kỳ vào tuần thứ 28 khi mang thai. Một số triệu chứng tiểu đường thai kỳ có thể gặp bao gồm:
- Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều
- Khó lành các vết trầy xước, vết thương
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức
- Nước tiểu có nhiều kiến bâu…
- Vùng kín bị nấm men: Bệnh tiểu đường gây tổn thương tới các tế bào mạch máu, làm giảm sức đề kháng của cơ thể và giảm số lượng các tế bào miễn dịch di chuyển tới vị trí nhiễm trùng để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men phát triển và tồn tại lâu dài.
➤ Đọc tìm hiểu thêm trong bài viết: Bệnh tiểu đường thai kỳ- 9 vấn đề mẹ bầu phải biết
Ai là người có nguy cơ tiểu đường cao?
Để đánh giá nguy cơ người mắc bệnh tiểu đường từng loại, những người trong đối tượng sau sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường:
Đối với tiểu đường type 1
- Người có cha mẹ, anh chị em mắc tiểu đường type 1
- Người có sự hiện diện một số gen cho thấy tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1
➤ Xem thêm: Tính di truyền của bệnh tiểu đường
Đối với tiểu đường type 2
- Người bị béo phì, người béo bụng
- Người sống trong gia đình có người mắc tiểu đường
- Người ít vận động
- Người mắc một trong các bệnh lý về cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, gout, vành khăn
- Phụ nữ được chuẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ
- Phụ nữ mắc u nang buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh
Đối với tiểu đường type 3
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường.
- Người béo phì, thừa cân, không kiểm soát tốt cân nặng.
- Bệnh nhân huyết áp cao.
- Bệnh nhân trầm cảm.
- Người mắc hội chứng PCOS (buồng trứng đa nang).
Đối với tiểu đường thai kỳ
- Tiền sử gia đình có người đái tháo đường
- Thai phụ béo phì
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose hoặc suy giảm dung nạp Gluco lúc đói
- Người có tiền sử đái tháo đường thai kỳ
- Người có tiền sử sinh con to trên 4kg
- Người có tiền sử sản khoa bất thường như sảy thai liên tiếp, thai lưu, đa ối …
- Người có tiền sử rối loạn huyết áp ở lần mang thai trước, tăng huyết áp mạn tính hay bệnh thận
Bệnh tiểu đường rất nguy hiểm phải không?
Đúng vậy, tiểu đường là bệnh lý mạn tính chưa có thuốc điều trị triệt để. Nếu bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng thì có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm liên quan đến hệ thần kinh, thận, mắt, da… Các biến chứng này rất nguy hiểm có thể gây hại đến cơ thể của bệnh nhân dẫn đến tàn phá, yếu ớt mất khả năng lao động và thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo thống kê các con số cho thấy, bệnh nhân tiểu đường khi được phát hiện có đến 70 – 80% số người chết do biến chứng liên quan đến tim mạch và các triệu chứng khác kèm theo. Số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đã bị mắc bệnh liên quan đến tim mạch và tử vong cao gấp 2 – 3 lần người bình thường mắc bệnh.
Bệnh tiểu đường tuy chưa có thuốc điều trị triệt để nhưng nếu được phát hiện sớm có thể ổn định đường huyết về mức an toàn, giảm thiểu ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra, kéo dài tuổi thọ.
➤ Tìm hiểu chi tiết hơn: Các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường
Triệu chứng cảnh báo tiểu đường biến chứng!
Tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tổn thương đến những mạch máu lớn và nhỏ, từ đó dẫn đến các biến chứng khôn lường như: biến chứng về mắt, biến chứng về thận, biến chứng về tim mạch,…
Do đó, để ngăn ngừa các biến chứng này, tốt nhất người bệnh cần chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Muốn như vậy, trước hết phải nắm bắt được triệu chứng của bệnh trước khi biến chứng xảy ra.
Những dấu hiệu gợi ý biến chứng của đái tháo đường bao gồm:
- Nổi sần và ngứa trên da
- Gặp vấn đề về thị lực
- Thường xuyên chảy máu nướu, khô miệng
- Tê, ngứa ra ở ngón tay và bàn chân
- Tiểu tiện thường xuyên hơn
- Liệt dương hay rối loạn cương dương
Khi có dấu hiệu tiểu đường cần làm gì?
Tiểu đường có thể gặp ở bất cứ độ tuổi, đối tượng nào. Khi thấy có những dấu hiệu nghi ngờ mắc tiểu đường hãy đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán tiểu đường.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải, hỏi các câu hỏi nhanh liên quan đến tiền sử gia đình có ai mắc bệnh, tiền sử bị bệnh của bạn, các loại thuốc bạn đang uống và các dị ứng bạn gặp phải.
Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định làm các xét nghiệm đường huyết để đánh giá kết luận có mắc tiểu đường hay không. Tùy thuộc vào tình trạng người bệnh, bác sĩ mà sẽ được quyết định làm một hoặc nhiều các xét nghiệm sau đâu:
- HbA1C: Xét nghiệm này cho thấy mức đường huyết liên tục trung bình trong 2 hoặc 3 tháng qua. Xét nghiệm này không yêu cầu phải nhịn ăn hay uống bất cứ thứ gì.
- Đường huyết lúc đói (FPG): xét nghiệm này cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi làm.
- Dung nạp glucose đường uống (OGTT): thử nghiệm này mất từ 2 đến 3 giờ. Mức đường huyết được kiểm tra ban đầu và sau đó lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian 2 giờ sau khi uống một loại đồ uống ngọt cụ thể.
- Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên: có thể làm xét nghiệm này bất cứ lúc nào và không cần phải nhịn ăn.
➤ Có thể bạn muốn đọc: Các phương pháp chẩn đoán tiểu đường hiện nay
Tiểu đường tuy chưa có thuốc điều trị triệt để nhưng nếu xây dựng được chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục thể thao kết hợp cùng các loại thuốc có thể kiểm soát đường huyết ở mức an toàn. Đừng chủ quan khi thấy các triệu chứng dấu hiệu nghi ngờ bệnh tiểu đường, bởi nếu gặp phải các triệu chứng trên có 80% khả năng bạn đã mắc bệnh. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tiểu đường có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng nặng.