Những người mắc bệnh tiểu đường thường sẽ có một chế độ ăn rất khắt khe nhằm đảm bảo lượng đường ổn định trong cơ thể. Vậy đối với mẹ bầu bị tiểu đường thì sao? Ăn gì để vừa cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi trong bụng phát triển đầy đủ, vừa phải kiểm soát để lượng đường trong cơ thể không tăng cao. Vấn đề này luôn được các bà mẹ bị tiểu đường trong thai kỳ thắc mắc. Vậy tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
Mục lục
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bất thường trong thai kỳ. Tình trạng này thường xảy ra ở tuần thai từ 24 tuần đến 28 tuần, và thường lượng đường huyết sẽ trở về bình thường sau 6 tuần sau sinh. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết tố, tăng các hormon làm tăng đường máu, từ đó xảy ra tình trạng kháng Insulin và gây ra tiểu đường.
Tuy nhiên mẹ bầu cần chú ý tiểu đường thai kỳ khác với tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 được chẩn đoán trước thời gian mang thai. Tiểu đường thai kỳ gặp trong thời gian mang thai và sau sinh 6 tuần sẽ hết hoặc chuyển thành tiểu đường tuýp 2. Còn tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 là bệnh mãn tính không thể tự hết.
Tiểu đường thai kỳ chiếm 3% đến 7% tổng số phụ nữ có thai. Do ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé, nên việc phát hiện sớm bệnh cũng như điều trị sẽ giúp cải thiện chất lượng thai kỳ tốt hơn.
➤ Chi tiết hơn trong bài:mẹ bầu phải biết về tiểu đường thai kỳ
Đối tượng dễ mắc tiểu đường thai kỳ?
- Bản thân mẹ bầu đã từng mắc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Đã từng sẩy thai liên tiếp hoặc thai chết trong tử cung không rõ nguyên nhân.
- Từng mang thai to, sinh ra bé trên 4 kg hoặc có dị tật bẩm sinh.
- Ở lần mang thai trước từng nhiễm độc thai nghén.
- Trong gia đình (ví dụ mẹ hoặc chị, em gái) có người từng mắc tiểu đường tuýp 2 hoặc tiểu đường thai kỳ.
- Trong thai kỳ lần này mẹ lớn hơn 35 tuổi, nước ối nhiều hoặc thai to.
- Mẹ bầu béo phì, tăng cân nhiều và nhanh (>20kg).
- Mẹ bầu có triệu chứng uống nhiều, tiểu nhiều, bị nhiễm nấm tái phát nhiều lần.
Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ lên mẹ và bé
Đối với mẹ
Nguy cơ mổ lấy thai cao: mẹ bị tiểu đường trong thai kỳ thì thai nhi thường to, đặc biệt phần thân trên của thai, vai phát triển nhanh trong thai kỳ, khó có thể sinh thường bằng ngã âm đạo do có thể gặp một số sang chấn sản khoa.
Mẹ dễ mắc một số bệnh như tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng tiểu, vỡ ối, băng huyết sau sinh, thai chết lưu gây nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.
Đối với thai nhi
Sẩy thai: nguy cơ cao hơn nếu kiểm soát lượng đường không tốt.
Hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh: Vì mẹ mang thai bị đái tháo đường, một số lượng đường truyền qua thai nhi trong lúc mang thai, tuyến tụy của con phải buộc hoạt động để tiết ra Insulin kiểm soát lượng đường đó. Sau sinh, tuyến tụy của con vẫn tiếp tục sản xuất tiếp insulin để đáp ứng lượng đường dư thừa trước đây. Do đó, lượng đường trong máu của con sẽ xuống thấp gây nên tình trạng hạ đường huyết. Thường xảy ra vài giờ sau khi sinh, tuy nhiên hạ đường huyết kéo dài và trầm trọng có thể ảnh hưởng đến não của bé.
Những bất thường bẩm sinh ở thai nhi: bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở những thai nhi có mẹ mắc bệnh tiểu đường. Thai nhi có nguy cơ tử vong, hay chậm phát triển, thai to, giảm sự trưởng thành của phổi, các dị tật bẩm sinh như ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch…
Béo phì: Khi đường huyết tăng, thai nhi tăng tiết insulin để tiêu thụ lượng đường này nên vì vậy bé cũng tăng trưởng và dự trữ năng lượng dưới dạng glycogene ở lớp mỡ của thai nhi. Nếu mẹ bị thừa cân và đái tháo đường trước khi mang thai, em bé sinh ra có nguy cơ thừa cân gấp 3,5 lần so với những bé khác.
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: hội chứng suy hô hấp xảy ra vì em bé có thể bị sinh non khi phổi chưa phát triển đầy đủ. Suy hô hấp tăng gấp 5-6 lần so với trẻ có mẹ bình thường, ở tất cả tuổi thai.
Bé cũng dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh
➤ Có thể bạn quan tâm: Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được?
Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì để có một thai kỳ khỏe mạnh?
Những người bị tiểu đường thường rất nhanh đói và đặc biệt thích ăn đồ ngọt, vì vậy nếu không kiểm soát được sự thèm ăn nhất là đồ ngọt thì nồng độ đường trong máu sẽ tăng cao và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.
Một số điều nên làm cho mẹ bầu bị tiểu đường khi ăn uống:
Thực phẩm ít tinh bột
Ăn các bữa ăn nhỏ, phân chia bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ đều đặn. Ăn cách khoảng 2 đến 3 giờ. Ăn ít tinh bột bởi nhóm thức ăn này có chứa nhiều carbonhydrat sẽ làm đường máu tăng nhanh.
Hãy chia khẩu phần ăn thành 4 phần trong đó 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ. Lượng tinh bột cho mỗi phần khoảng 1/2 chén đến 2/3 chén cơm. Bạn nên ăn ít tinh bột vào bữa sáng hơn bữa trưa hoặc bữa tối trong kế hoạch ăn uống, vì đường huyết có xu hướng sẽ tăng nhiều hơn vào buổi sáng. Ví dụ: hãy ăn sáng bằng 1 tô nhỏ thức ăn lỏng như bún, bánh canh, hủ tíu thêm 1 dĩa rau, 1 hủ sữa chua không đường, sau đó hãy ăn thêm các bữa ăn khác. Các bữa ăn phụ nên ăn sau các ữa ăn chính 2-3h.
Bạn nên ăn vừa đủ các thực phẩm chứa tinh bột có chỉ số đường huyết thấp và ít làm tăng đường huyết, như: gạo lứt còn vỏ cám, bún tươi, gạo tấm, các loại đậu nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám, bánh mì nâu,…
Trong mỗi bữa ăn chính nên bao gồm một số chất đạm lành mạnh vì các chất này cũng giúp kiểm soát đường huyết của bạn mà vẫn đem đến một ngày đầy đủ năng lượng cho mẹ. Cá, thịt nạc, các loại đậu, trứng, sữa đều là các thực phẩm giàu chất đạm.
Chất béo
Bạn nên chọn thực phẩm chứa chất béo loại không bão hòa như dầu ô liu, dầu lạc, cá hồi, cá ngừ, các loại hạt… Nên sử dụng dầu thực vật để nấu ăn.
Hoa quả, rau xanh
Nên ăn ít nhất 500 – 600gr rau xanh mỗi ngày. Nên ăn rau trước các bữa ăn chính để hạn chế tình trạng tăng đường huyết sau khi ăn, vì rau là nguồn cung cấp chất xơ và giúp ngăn ngừa hấp thu chất tinh bột ăn sau đó. Các loại hoa quả có hàm lượng đường thấp như dưa chuột, việt quất, ổi, bơ, bưởi, dâu tây…
Sữa cho bà mẹ tiểu đường
Đối với mẹ bầu, sữa là loại thực phẩm dễ bổ sung chất dinh dưỡng còn thiếu cho mẹ và con, đây là nguồn cung cấp năng lượng, chất đạm, canxi và một số vi chất khác. Tuy nhiên nếu bổ sung sữa như thông thường, mẹ bầu dễ bị tăng đường huyết hơn. Vì vậy nên sử dụng các loại sữa chuyên biệt có chỉ số đường huyết thấp, vừa đảm bảo lượng đường trong cơ thể, vừa đủ vitamin, khoáng chất để cho thai phát triển đầy đủ, như sữa tách béo/ít béo, sữa không đường và giàu canxi, sữa đậu nành không đường, sữa chua không đường, phô mai.
Một số loại sữa có thể tham khảo như: Sữa Royal Ausnz Pregnant Mother Formula, Sữa Vinamilk Sure Diecerna, Sữa cho người tiểu đường Nutren Diabetes, Sữa Gluvita Gold…
➤ Nên đọc: Mách cách chọn sữa cho người tiểu đường
Tiểu đường thai kỳ cần kiêng ăn gì?
Thực phẩm chứa nhiều tinh bột
Một số loại thực phẩm chưa nhiều tinh bột bạn cần tránh như: Gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây, nước giải khát, nước ngọt có gas, các loại kem, bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy…
Chất béo không lành mạnh
Bạn nên cẩn thận với cái loại chất béo này, đặc biệt khi bạn đang tăng cân quá mức, ví dụ mỡ heo, dầu ăn nguồn gốc từ động vật, đồ ăn chiên, xào. Da và nội tạng động vật cũng cung cấp quá nhiều chất béo gây tích tụ mỡ thừa, khó khăn trong quá trình kiểm soát lượng đường trong máu của người bệnh.
Rau củ quả, trái cây giàu đường
Ngoài những trái cây nhiều đường như dưa hấu, vải, xoài,… bạn cần kiêng cử ra thì trái cây khô cũng là loại thực phẩm chứa nhiều đường, vẫn tốt nhất là nên hạn chế sử dụng.
Các thức ăn nhanh khác
Các thực phẩm chứa nhiều muối như mì ăn liền, súp đóng hộp, thức ăn đông lạnh, xúc xích, bơ, margarine, sốt mayonnaise, kem phô mai, thực phẩm đóng gói, vì thường sẽ gây huyết áp cao, làm tăng biến chứng tiểu đường.
Rượu bia, chất kích thích
Những người hay uống rượu, bia, chất kích thích sẽ dễ dàng mất hết năng lượng dự trữ chỉ trong vài giờ. Về lâu dài, tiêu thụ quá mức rượu, bia, chất kích thích cũng sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của insulin, dẫn tới tăng cao lượng đường trong máu.
☛ Tìm hiểu thêm: Nguyên tắc ăn uống cho người tiểu đường
Chế độ điều trị hỗ trợ cho mẹ bị tiểu đường thai kỳ
Bên cạnh các chế độ ăn, các thực phẩm nên sử dụng và các thực phẩm cần tránh, mẹ bầu cần thường xuyên kiểm tra cân nặng, tăng cân vừa phải, không được để giảm cân trong quá trình thực hiện chế độ ăn
Uống vitamin, canxi, bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày (tùy theo thể trạng và chống chỉ định về sản khoa) để cải thiện tình trạng kháng Insulin cũng như cân nặng của mình, cũng như giúp giảm stress hiệu quả trong thời gian mang thai.
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ nên khám thai thường xuyên theo lịch để theo dõi đường huyết. Bác sĩ sẽ tư vấn cách thử đường huyết, thời gian thử đường huyết , các mục tiêu đường huyết cần đạt được trong quá trình điều trị cho từng cá nhân cụ thể. Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục nhẹ nhàng không giúp ổn định đường huyết, các mẹ sẽ được bác sĩ chuyên khoa cho sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết.
Lời kết
Đái tháo đường thai kỳ thật sự là một căn bệnh nguy hiểm với sức khỏe của cả mẹ và bé, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra một loạt biến chứng nguy hiểm. Y học ngày nay rất tiến bộ, vì vậy khi có những dấu hiệu bất thường, bạn cần quan tâm và đi khám để có một thai kỳ khỏe mạnh và vui tươi.