Định lượng glucose máu là phương pháp xét nghiệm được chỉ định cho người khám bệnh tiểu đường. Vậy, định lượng glucose máu quan trọng như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tường tận về phương pháp này trong bài viết hôm nay.
➤Tìm hiểu trước: Bệnh tiểu đường là gì?
Mục lục
Glucose là gì?
Glucose là một loại đường đơn được tạo ra từ các thực phẩm chứa Carbohydrate thông qua hoạt động tiêu hóa của cơ thể. Ban đầu, glucose được đưa từ thực phẩm vào máu, sau đó vận chuyển vào tế bào. Tại đây, xảy ra quá trình đường phân tạo ra hợp chất pyruvate và đồng tiền ATP cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
Khi có thể thiếu glucose, cơ thể không được cung cấp năng lượng đầy đủ và rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải. Trường hợp glucose máu quá thấp, bạn có thể cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi, thậm chí là ngất xỉu.
Ngược lại, khi Glucose máu tăng cao và cơ thể không tự kiểm soát được trong thời gian dài, bạn có thể đang mắc phải chứng rối loạn chuyển hóa đường, đái tháo đường hay một số bệnh lý khác. Tình trạng này khiến người bệnh đối diện với nhiều triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

☛ Tham khảo đầy đủ tại: Vai trò của glucose?
Định lượng glucose là gì?
Thông thường, chỉ số glucose máu lúc mới ngủ dậy vào buổi sáng sẽ dao động khoảng 70 mg/dl – 92 mg/dl (3,9 mmol/l – 5,0 mmol/l). Sau ăn 1 – 2 giờ, chỉ số này có thể tăng lên nhưng sẽ không vượt quá 120 mg/dl. Trường hợp cao hơn, rất có thể bạn đang bị rối loạn dung nạp đường hoặc đái tháo đường.

Định lượng glucose máu được thực hiện thế nào?
Định lượng glucose máu thường được tiến hành tại bệnh viện bởi các kỹ thuật viên. Sau khi bác sĩ thăm khám, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm định lượng đường huyết. Tiếp đó, bệnh nhân di chuyển đến khu vực được yêu cầu để lấy mẫu máu thực hiện xét nghiệm.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tự thực hiện định lượng glucose tại nhà bằng các thiết bị đo đường huyết cá nhân. Tuy nhiên, kết quả định lượng này chỉ mang tính theo dõi để đưa ra đánh giá mà ít có giá trị chẩn đoán.
Phương pháp enzyme được áp dụng rộng raix hơn bởi thời gian cho kết quả nhanh và độ đặc hiệu cao. Có 3 loại enzyme được áp dụng phổ biến là: Enzyme hexokinase, glucose oxidase và glucose dehydrogenase. Trong đó, định lượng bằng enzyme hexokinase là phương pháp có độ đặc hiệu cao nhất

Định lượng glucose bằng phương pháp glucose oxydase
Phương pháp này được thực hiện bởi các máu hóa sinh bán tự động hoặc tự động. Quá trình định lượng trải qua các bước như sau:
- Bước 1: Oxy hóa glucose bởi enzyme Glucose oxydase tạo ra H2O2. Tuy nhiên, glucose oxydase chỉ đặc hiệu với β-glucose trong khi huyết thanh còn chứa cả α-glucose. Vậy nên, hóa chất sử dụng cho giai đoạn này còn cần thêm mutarotase để chuyển dạng α-glucose thành β-glucose.
GOD (glucose oxydase)
Glucose + H2O ————–> Acid gluconic + H2O2
- Bước 2: Cho H2O2 phản ứng với Phenol và 4 amino-Antipyrin tạo ra Quinoneimine. Quinoneimine tạo ra có màu hồng cánh sen và mức độ đậm tỉ lệ thuận với nồng độ glucose.
POD (Peroxydase)
2H2O2+ Phenol + 4 amino-Antipyrin ————–> Quinoneimine + 4H2O
- Bước 3: Kỹ thuật viên đem dung dịch Quinoneimine thu được đo dưới bước sóng 540nm. Máy đo quang phổ sẽ tiến hành phân tích và cho kết quả cuối cùng.
Ưu điểm của phương pháp định lượng bằng enzyme glucose oxydase là thời gian nhanh và chi phí thấp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn thủ công nên kết quả dễ bị tác động. Thông thường, phương pháp này sẽ cho chỉ số glucose máu thấp hơn mức thực tế.

Định lượng glucose máu bằng phương pháp sử dụng enzyme hexokinase
Phương pháp này được áp dụng phổ biến tại các bệnh viện lớn có trang bị thiết bị máy móc tự động. Bởi ít sự can thiệp của con người nên định lượng bằng hexokinase cho kết quả chính xác hơn các phương pháp khác. Quá trình định lượng gồm các bước sau đây:
Bước 1: Thực hiện phản ứng phosphoryl hóa glucose tạo Glucose-6-Phosphat dưới sự xúc tác của enzyme hexokinase và G6PD. Trên thực tế, hexokinase sẽ phosphoryl hóa cả fructose và mannose. Tuy nhiên, nồng độ các đường này thường quá thấp nên sẽ không gây sai lệch cho kết quả phản ứng.
Hexokinase
Glucose + ATP —————> Glucose-6-Phosphate + ADP
Bước 2: Thực hiện phản ứng oxy hóa Glucose-6-Phosphat dưới xúc tác của G6PD để tạo NADPH. Mật độ của NADPH tỉ lệ thuận với nồng độ của Glucose. Lưu ý trong bước này là nên sử dụng G6DP của vi khuẩn để tránh sai số.
G6PD
Glucose-6-Phosphate + NADP+ —————-> 6-Phosphogluconate + NADPH + H+
Bước 3: Dung dịch thu được đem đo ở bước sóng 340nm cho ra nồng độ glucose máu. Hoặc, người ta cũng có thể thêm một số chất chỉ thị như phenazine methosulfate (PMS) hoặc Iodonitrotetrazolium (INT) tạo phản ứng với NADPH cho sản phẩm đo được ở bước sóng 520nm.
Ưu điểm của phương pháp định lượng glucose máu bằng hexokinase là độ chính xác cao. Tuy nhiên, chi phí của xét nghiệm này cao hơn bởi giá thành hóa chất cao hơn.
Định lượng glucose bằng enzyme Glucose dehydrogenase (GDH)
Nguyên lý này được ứng dụng chủ yếu trên các máy đo glucose máu cá nhân thông qua một phản ứng đơn giản:
GDH
β-D-Glucose + NAD+ —————>. D-Glucono-∆-lactone + NADH + H+
NADH tạo ra được đo nhanh dưới bước sóng 340nm ở dạng động học hoặc điểm cuối. Ngoài ra, người ta có thể sử dụng thêm hóa chất mutarotase để chuyển α-Glucose thành β-Glucose để kết quả đo chính xác hơn.
Một lưu ý nhỏ khi đo đường bằng phương pháp này là enzyme dehydrogenase cho phản ứng với cả các đường maltose, galactose và xylose. Vậy nên, kết quả đo đường thường cao hơn kết quả thực tế.
Nếu sử dụng GDH từ vi khuẩn Bacillus cereus sẽ cho kết quả chính xác tương đường hexokinase bởi GDH của Bacillus cereus rất đặc hiệu với glucose.
Ưu điểm của phương pháp này là cơ chế đơn giản, phản ứng nhanh nên được ứng dụng để đo đường ngay tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ loại máy đo đường để chắc chắn về độ chính xác của nó.

☛ Tìm hiểu thêm: Cách đọc các chỉ số tiểu đường chuẩn nhất
Ý nghĩa lâm sàng của chỉ số định lượng glucose máu
Dựa vào trị số thu được từ phương pháp định lượng glucose các bác sĩ có thể đưa ra kết luận về bệnh tiểu đường hoặc các rối loạn chuyển hóa đường. Cụ thể, các trị số được coi là bình thường khi định lượng glucose máu cho kết quả nằm trong khoảng 3,9 – 6,4 mmol/L. Tất cả các kết quả nằm ngoài khoảng này được cho là bất thường và định hướng đến một bệnh lý nào đó.
Glucose máu giảm (<3,9 mmol/L)
Glucose máu tăng cao thường xuất hiện trong các trường hợp:
- Tụt đường huyết do không cấp đủ đường cho cơ thể.
- Các bệnh u tụy khiến insulin tăng tiết bất thường.
- Thiểu năng tuyến thượng thận, tuyến giáp hoặc tuyến yên
- Các bệnh về gan như: thiểu năng gan, xơ gan
- Sau phẫu thuật cắt dạ dày
- Dùng quá liều thuốc điều trị tiểu đường.
Glucose máu tăng(>6,4mmol/L)
Chỉ số glucose máu tăng thường gặp trong các trường hợp:
- Mắc bệnh lý: tiểu đường, viêm tụy, các bệnh tại tuyến yên hoặc tuyến thượng thận.
- Bệnh nhân đang điều trị bằng các thuốc: ACTH hoặc corticoid
- Bệnh nhân nhiễm độc giáp nặng, bỏng, choáng, viêm màng não, stress quá mức….
Chẩn đoán tiểu đường dựa trên định lượng Glucose trong máu
Glucose máu tăng cao xuất hiện phổ biến nhất ở nhóm bệnh nhân mắc tiểu đường. Để đưa ra kết luận cuối cùng, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân thực hiện định lượng glucose máu lúc đói. Nếu kết quả định lượng glucose máu trên 7mmol/L, bệnh nhân được kết luận mắc tiểu đường. Trường hợp kết quả định lượng trong khoảng 6,4 – 7 mmol/L, bệnh nhân được xác định là rối loạn chuyển hóa đường (hay tiền tiểu đường).
Những trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán là tiểu đường cần tiến hành điều trị theo phác đồ được bác sĩ chỉ định. Những bệnh nhân tiền tiểu đường cần tiến hành điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt để tránh bệnh tiến triển thành tiểu đường.
➤ Nếu bạn quan tâm đến cách xác định bệnh lý tiểu đường thì hãy đọc chi tiết nhất trong bài viết: Phương pháp chẩn đoán bệnh tiểu đường

Lưu ý khi thực hiện định lượng glucose máu
Để định lượng glucose cho kết quả chính xác nhất, bạn cần lưu ý một số thông tin sau:
- Nếu được chỉ định làm định lượng glucose máu lúc đói, bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng đồng hồ. Trong thời gian này, bạn chỉ được uống nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội.
- Trường hợp được chỉ định định lượng glucose máu ở thời điểm bất kỳ, bệnh nhân không cần nhịn ăn, uống mà vẫn thực hiện xét nghiệm bình thường.
- Trước khi tiến hành xét nghiệm bệnh nhân cần giữ tâm lý thoải mái. Những người bị căng thẳng, stress kéo dài có thể tăng đường máu tạm thời gây sai lệch kết quả xét nghiệm.
- Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Trên thực tế, có rất nhiều loại thuốc làm ảnh hưởng đến kết quả định lượng glucose máu như: thuốc chống viêm corticoid, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai, thuốc giảm trầm cảm,….
- Trước thời điểm thực hiện định lượng glucose, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt như bình thường. Tránh kiêng khem quá mức sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
- Những trường hợp được chỉ định tự định lượng glucose máu ở nhà bằng máy đo đường cá nhân cần thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ về kỹ thuật đo, thời điểm đo trong ngày.
- Nếu có thể, bạn nên lựa chọn những trung tâm y tế lớn được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị. Như vậy, kết quả định lượng glucose máu sẽ có độ chính xác cao hơn.
Lời kết
Định lượng glucose máu là xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán tiểu đường và các bệnh lý khác. Các bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân nên thực hiện định kỳ để có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình. Những vấn đề liên quan kết quả xét nghiệm, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với các bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nguồn tham khảo
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK248/