Chào chuyên gia, thời gian gần đây tôi cảm thấy sức khỏe của mình không được ổn định. Thi thoảng có chút chóng mặt, buồn nôn. Tôi tự kiểm tra huyết áp tại nhà thì thấy chỉ số đo được là 139/88. Tôi băn khoăn không biết mình có bị huyết áp cao không. Và tôi cần tới đâu để khám bệnh cao huyết áp? Xin cảm ơn.
(Bác Phan, 51 tuổi, Bắc Giang)
Chào bác Phan, chuyên gia đã nhận được câu hỏi của bác và xin phép được thông tin đến bác một vài điều. Cụ thể, số đo 139/88 mà bác đo được báo hiệu tình trạng tiền cao huyết áp. Để chắc chắn hơn về tình trạng sức khỏe của mình bác nên đến những trung tâm y tế uy tín để làm các kiểm tra sức khỏe cần thiết và phù hợp. Chi tiết mời bác đọc bài viết dưới đây:
Mục lục
Tổng quan về tăng huyết áp

Theo thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam, có 47,3% người Việt bị cao huyết áp. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, có 39,1% không được phát hiện bệnh; 7,2% bị tăng huyết áp không được điều trị; 6,9% bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được. Hiện nay, nhu cầu đi khám tăng huyết áp ngày càng tăng nhưng nhiều người vẫn chưa biết đi khám và điều trị tăng huyết áp ở đâu tốt.
Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh không có triệu chứng điển hình, không phải lúc nào người bệnh cũng thấy khó chịu. Một số người có triệu chứng cao huyết áp như: chóng mặt, đau đầu, ù tai, hồi hộp, chóng mặt, ói mửa… Tuy nhiên, rất nhiều người huyết áp cao lại không có biểu hiện này.
Nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp, do đó, nhiều trường hợp đột tử nhưng trước đó 1 – 2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh. Nếu phát hiện và chẩn đoán được bệnh từ ban đầu, có thể điều trị tăng huyết áp bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt và thói quen ăn uống.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Bệnh tăng huyết áp
Nguyên nhân cao huyết áp
Tìm ra nguyên nhân huyết áp cao là việc cần thiết để ngăn ngừa bệnh xuất hiện cũng như điều trị bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây ra cao huyết áp như:
- Béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch
- Di truyền: Người có người thân trong gia đình bị cao huyết áp cũng sẽ có nguy cơ cao huyết áp
- Chế độ ăn không hợp lý: ăn nhiều đồ chiên rán, giàu chất béo, ăn mặn,…
- Tuổi tác cao: Thông thường, các triệu chứng cao huyết áp tại người lớn tuổi rất khó xác định
- Hút thuốc: Bệnh nhân cao huyết áp do hút thuốc thường có triệu chứng mệt mỏi, nôn mửa
- Những đối tượng được nêu trên có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, cần phải đo huyết áp thường xuyên, theo dõi các triệu chứng và đi khám với bác sĩ giỏi ngay khi cần thiết để tránh hậu quả đáng tiếc
Tiêu chí lựa chọn địa chỉ khám bệnh
Tăng huyết áp bệnh thuộc chuyên khoa Tim mạch, bệnh xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường. Tăng huyết áp dù không có triệu chứng đặc hiệu và rõ ràng, nhưng nếu không theo dõi và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như đau tim và đột quỵ. Khi lựa chọn địa chỉ khám bệnh, người bệnh và người nhà của bệnh nhân cần quan tâm đến:
- Bệnh viện, phòng khám chuyên về Tim mạch, có một số thiết bị liên quan như máy siêu âm tim, Xquang tim phổi…
- Bệnh viện, phòng khám phải có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và giỏi về Tim mạch. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định lựa chọn một địa chỉ đi khám.
☛ Tham khảo thêm tại: Huyết áp cao có nguy hiểm không?
Khám và điều trị tăng huyết áp ở đâu?
Tùy theo mong muốn và tình trạng bệnh mà người bệnh có thể đi khám tại các bệnh viện công lập lớn hoặc khám tại bệnh viện, phòng khám tư nhân chuyên về Tim mạch.
1. Bệnh viện Tim Hà Nội
Cơ sở 1: Số 92 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cơ sở 2: Đường Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội
Là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Tim mạch của Hà Nội, bệnh viện chuyên khoa Tim mạch tuyến cuối của cả nước. Khám và điều trị cả 5 lĩnh vực Tim mạch: Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Tim mạch can thiệp, Tim mạch chuyển hóa.
Người bệnh đến khu làm thủ tục khám và đăng ký khám Tăng huyết áp, chọn bác sĩ khám (người bệnh được chọn khám với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ). Sau đó, sẽ có nhân viên hướng dẫn đến từng phòng khám và phòng xét nghiệm, chụp chiếu.
Bệnh viện Tim Hà Nội được xây mới và cải tạo rất rộng rãi, sạch sẽ, hiện đại. Bệnh viện được đánh giá cao ở dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, nếu bạn muốn đi khám tăng huyết áp ở một nơi uy tín, nhiều bác sĩ giỏi nhưng muốn có dịch vụ tốt thì đây là lựa chọn phù hợp nhất.
Bệnh viện trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với nhiều nước trong khu vực: 2 máy chụp mạch DSA hãng Philips, máy CEC, cộng hưởng từ 1.5 Tesla, CT 128 dãy, 25 máy siêu âm tim trong đó có nhiều máy siêu âm 4D thế hệ mới nhất, siêu âm và điện tim gắng sức, hệ thống máy và thiết bị hiện đại trong phòng mổ và hồi sức cấp cứu… hỗ trợ tối đa cho quá trình khám chữa bệnh.
Thời gian làm việc
Bệnh viện nhận khám cả vào thứ 7 và Chủ Nhật, cụ thể như sau:
Thứ 2 đến thứ 6: từ 5h30 đến 16h30
Thứ 7: từ 7h30 đến 14h30
Chủ nhật: từ 7h30 đến 12h
Đặt lịch khám tự nguyện: Thứ 2 – Thứ 7, 8h-16h, nghỉ Chủ nhật và các ngày Lễ Tết
Lưu ý đi khám Tăng huyết áp tại Bệnh viện Tim Hà Nội:
- Vì thứ 7 thông thường ít người đến khám nên các bác sĩ sẽ nghỉ sớm, bệnh nhân đi khám tăng huyết áp lưu ý cần đến Bệnh viện sớm, vào khoảng thời gian đầu giờ khám.
- Bệnh viện thường đông bệnh nhân vào lúc 9-11h sáng và vắng hơn vào các buổi chiều, bệnh nhân có thể cân nhắc sắp xếp lịch đi khám.
- Giá khám Tiến sĩ, Bác sĩ CKII, Trưởng phó khoa: 600.000 đồng. Khám Thạc sĩ, Bác sĩ CK: 300.000 đồng. Bệnh nhân có BYHT và Giấy chuyển viện đúng tuyến sẽ được hưởng BHYT theo đúng quy định.
2. Viện Tim mạch Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai
Địa chỉ: Khu nhà C – Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
Viện Tim mạch Quốc gia có tiền thân là Khoa Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai. Do nhu cầu khám chữa bệnh về tim mạch, bao gồm bệnh huyết áp ngày càng tăng cao, bộ Y tế đã quyết định thành lập Viện Tim mạch trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Viện Tim mạch Quốc gia là đơn vị đầu ngành về bệnh Tim mạch như Tăng huyết áp, là nơi đã và đang công tác của những chuyên gia Tim mạch nổi tiếng như: Giáo sư Phạm Gia Khải, Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Tước, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu…
Đây là địa chỉ uy tín hàng đầu mà người bệnh nên lựa chọn khi đi khám và điều trị Tăng huyết áp. Hiện nay, bệnh viện có dịch vụ khám và tư vấn Theo yêu cầu với lịch bác sĩ cụ thể, bệnh nhân có thể tìm hiểu thêm để đi khám với bác sĩ, chuyên gia giỏi.
Thời gian làm việc:
- Thứ 2 – thứ 6: từ 7h00 – 12h00 và 13h30 – 16h30
- Thứ 7: từ 7h00 – 12h00.
Lưu ý đi khám Tăng huyết áp tại Bệnh viện Bạch Mai:
- Viện Tim mạch tiếp đón hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày nhưng ít khi bị ùn tắc, quá tải. Bệnh nhân có thể đến bệnh viện từ sớm để chắc chắn khám xong trong ngày.
- Mỗi buổi sáng trong tuần sẽ có 4 bác sĩ khám, buổi chiều 2 bác sĩ, có cả những bác sĩ tên tuổi như Giáo sư Phạm Gia Khải, Phó Giáo sư Nguyễn Bạch Yến, Phó Giáo sư Đinh Ngọc Quang… trực tiếp thăm khám.
- Lịch khám của Viện có trên website (1 tháng một lần),người bệnh có thể tham khảo thêm.
3. Viện Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Là Viện Tim mạch trực thuộc bệnh viện Trung ương Quân đội 108, viện Tim mạch là đơn vị tim mạch tuyến cuối trong thăm khám và điều trị bệnh Tim mạch của Quân đội. Viện bao gồm các khoa: Khoa Nội – Khoa Phẫu thuật tim mạch – Khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch. Đối với bệnh nhân Tăng huyết áp, có thể khám và điều trị tại khoa Nội Tim mạch của viện.
Một số máy móc hỗ trợ: Điện tim gắng sức và kết hợp với xạ tưới máu cơ tim. Siêu âm Doppler tim, siêu âm mạch máu, siêu âm tim gắng sức và siêu âm tim cản âm, siêu âm qua đường thực quản. Holter huyết áp và Holter điện tim 24 giờ. Thăm dò điện sinh lý tim chẩn đoán rối loạn nhịp và dẫn truyền, triệt phá các rối loạn nhịp tim bằng sóng RF….
Trong những năm qua, Bệnh viện 108 đã từng bước cải thiện dịch vụ, tối ưu quá trình đi khám để người bệnh không mất thời gian chờ đợi. Đến nay, Bệnh viện 108 đã trở thành một trong số ít bệnh viện tuyến trung ương có dịch vụ tốt hàng đầu nước ta. Đặc biệt, khi khám Cao huyết áp tại Khoa khám theo yêu cầu, người bệnh sẽ được chăm sóc giống như đi khám tại một bệnh viện tư nhân theo chuẩn quốc tế.
Thời gian làm việc:
Khoa khám thường: thứ 2 – thứ 6, từ 6h30 – 17h00
Khoa khám theo yêu cầu: thứ 2 – thứ 7, từ 6h30 – 17h00.
Lưu ý đi khám Tăng huyết áp tại Bệnh viện 108:
- Bệnh viện đông bệnh nhân vào khoảng 8h-9h30, người bệnh nên sắp xếp thời gian đến làm thủ tục sớm hơn hoặc khám buổi chiều, tránh đến vào giờ cao điểm vì phải đợi lâu.
- Giờ cao điểm tại bệnh viện rất đông, bệnh nhân và người nhà cần lưu ý bảo quản tài sản cá nhân kĩ lưỡng, đề phòng mất cắp, móc túi.
☛ Tham khảo thêm bài viết: Mẹo giảm huyết áp nhanh chóng tại nhà
Theo Giaocolam.vn