Đái tháo đường (hay tiểu đường) tuýp 1 là bệnh lý có nguyên nhân chủ yếu từ những yếu tố di truyền, bẩm sinh. Khác với sự phổ biến của tiểu đường tuýp 2, tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 chỉ chiếm 5-10% tổng số người mắc bệnh tiểu đường.
Người mắc tiểu đường tuýp 1 không thể dùng thuốc hạ đường huyết thông thường mà phải điều trị bằng insulin thay thế bắt buộc. Vậy insulin trị tiểu đường tuýp 1 gồm những loại nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
Mục lục
Tiểu đường tuýp 1 là gì?
Theo Hội nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, bệnh đái tháo đường tuýp 1 là bệnh lý rối loạn chuyển hóa phức tạp, trong đó tế bào beta tụy bị phá hủy dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng insulin, khiến bệnh nhân bị tăng glucose máu mạn tính.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em và vị thành niên.
95% bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 là do cơ chế tự miễn của cơ thể (còn được gọi là tiểu đường tuýp 1A). Lúc này hệ thống miễn dịch tự động tấn công các tế bào beta trong tuyến tụy, vốn đóng vai trò sản xuất insulin.
5% bệnh nhân còn lại là không xác định được nguyên nhân, hay còn gọi là vô căn (tiểu đường tuýp 1B).
Khi nhắc đến bệnh tiểu đường, rất nhiều người có sự nhầm lẫn giữa tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Tuy cả hai bệnh lý này đều biểu hiện ở sự tăng bất thường của đường huyết, nhưng bản chất và cách điều trị cho từng bệnh là hoàn toàn khác nhau.
Để xác định bệnh một cách chính xác các bạn phải tới các cơ sở y tế để thăm khám và làm các xét nghiệm liên quan. Tuy nhiên, sau đây là một vài dấu hiệu khác biệt cơ bản mà bạn có thể tham khảo.
Độ tuổi xuất hiện bệnh
Nếu như đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở những trưởng thành hoặc trung niên thì đái tháo đường tuýp 1 lại thường xảy ra ở trẻ em và độ tuổi thanh thiếu niên.
Các biểu hiện và sự khởi phát
Cả đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 đều có chung những biểu hiện như: sút cân nhanh chóng, ăn nhiều, hay đói, hay cảm thấy khát, đi tiểu nhiều. Nhưng ở những người tiểu đường tuýp 2, các biểu hiện thường xảy ra âm thầm và khó phát hiện, ngược lại, chúng lại rất “rầm rộ” ở người tiểu đường tuýp 1.
Các bệnh lý đi kèm
Người mắc tiểu đường tuýp 2 thường mắc các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid. Nhưng ở những người mắc tiểu đường tuýp 1 lại ít khi bắt gặp những bệnh lý đi kèm này.
Tại sao tiểu đường tuýp 1 phải điều trị bắt buộc bằng insulin?
Bệnh tiểu đường nói chung là bệnh lý mà người bệnh có mức đường huyết lúc đói cao hơn người bình thường (>7mmol/L). Tuy nhiên tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 lại có sự khác nhau về cơ chế bệnh sinh và cách điều trị.
Ở các bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, insulin vẫn được tuyến tụy nội tiết tiết ra nhưng với lượng không đủ hoặc cơ thể có sự đề kháng với insulin, điều này dẫn đến việc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả.
Lúc này, các bệnh nhân mới mắc tiểu đường tuýp 2 thường được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ đường huyết với cơ chế làm tăng độ nhạy cảm insulin hoặc làm tăng tiết insulin.
Khi sử dụng thuốc mà vẫn không đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết thì mới chuyển qua điều trị bằng insulin.
Nhưng ở tiểu đường tuýp 1 thì không như vậy. Tế bào beta của đảo tụy vốn có chức năng tiết insulin, nhưng ở các bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, loại tế bào này bị phá hủy, khiến họ có rất ít hoặc hầu như không có insulin.
Đây chính là nguyên nhân bắt buộc những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 phải điều trị bằng cách tiêm insulin thay thế.
Cách phân loại insulin và các insulin dùng để điều trị tiểu đường tuýp 1
Hiện nay có 2 cách phân loại insulin đó là phân loại theo cấu trúc phân tử và phân loại theo cơ chế tác dụng.
Hiện nay có 2 cách phân loại insulin đó là phân loại theo cấu trúc phân tử và phân loại theo cơ chế tác dụng.
Phân loại theo cấu trúc phân tử
Insulin người (hay còn gọi là human insulin)
Đây là loại insulin rất tinh khiết, được điều chế bằng phương pháp tái tổ hợp DNA. Vì có độ tinh khiết cao nên bệnh nhân khi sử dụng insulin người ít bị dị ứng, ít bị đề kháng do tự miễn và hạn chế tình trạng loạn dưỡng mô mỡ ở vị trí tiêm.
Ưu điểm của loại này là có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, vì vậy người bệnh hoàn toàn có thể mang theo khi đi bất cứ đâu, miễn là đừng để thuốc ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
Trên thị trường dược phẩm Việt Nam hiện nay có 2 loại insulin người đó là insulin thường (regular insulin) và NPH (Neutral Protamine Hagedorn).
Insulin analog
Insulin analog cũng được tổng hợp bằng phương pháp tái tổ hợp DNA, nhưng điểm khác biệt so với insulin người là trong cấu trúc của chúng đã được thay thế một vài acid amin hoặc gắn thêm chuỗi polypeptide.
Phân loại theo cơ chế tác dụng
Nếu phân loại theo cơ chế tác dụng thì insulin được chia làm 4 loại chính.
Insulin có tác dụng nhanh, ngắn
Hiện nay ở Việt Nam có các loại insulin tác dụng nhanh, ngắn như:
- Insulin người tác dụng nhanh ngắn: Regular insulin (insulin thường). Loại này thường có tác dụng sau tiêm khoảng 30 phút. Hiệu lực thuốc kéo dài từ 5 đến 7 giờ đối với liều dùng thông thường, khi tăng liều dùng thì thời gian tác dụng cũng sẽ được kéo dài.
- Insulin analog tác dụng nhanh ngắn: Aspart, Lispro và Glulisine. Hiệu lực của thuốc thường kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ và thời gian này không phụ thuộc vào liều dùng.
Insulin có tác dụng trung bình
Đây là loại insulin có thời gian tác dụng kéo dài từ 10 đến 20 giờ, chúng bắt đầu có tác dụng khoảng 2 đến 4 giờ sau khi tiêm. Hiện nay ở Việt Nam có 1 loại insulin tác dụng trung bình đó là NPH Insulin.
Insulin có tác dụng chậm và kéo dài
Insulin tác dụng chậm, kéo dài có 3 loại:
- Insulin glargine: Đây là loại có tác dụng kéo dài lên đến 24 giờ, vì vậy chúng thường được tiêm 1 lần mỗi ngày để duy trì mức insulin cần thiết.
- Insulin analog detemir: Đây cũng là loại insulin có hiệu lực trong 24 giờ, điều khác biệt là chúng có thể sử dụng được cho đối tượng phụ nữ mang thai.
- Insulin degludec: Sau khi tiêm khoảng 30 đến 90 phút, insulin degludec bắt đầu có tác dụng. Đây là loại có hiệu lực tác dụng kéo dài hơn cả, lên đến 42 giờ.
Insulin trộn, hỗn hợp (còn được gọi là insulin 2 pha hay insulin trộn sẵn)
Đây thực chất là dạng insulin được bào chế bằng cách trộn lẫn 2 loại là insulin có tác dụng nhanh và insulin có tác dụng kéo dài.
Mục đích của việc trộn lẫn này là giúp vừa chuyển hóa nhanh được lượng đường và tinh bột được nạp vào ở bữa ăn, vừa duy trì mức insulin cần thiết ở khoảng giữa các bữa ăn đó.
Hiện nay ở Việt Nam có các loại insulin hỗn hợp như:
- Insulin Mixtard 30: Đây là hỗn hợp giữa insulin isophane và insulin hòa tan với tỷ lệ là 70/30. Đây cũng là tỷ lệ khá phổ biến ở các insulin hỗn hợp. Thuốc có hiệu lực trong 24 giờ.
- Novomix 30: Đây là sự kết hợp giữa insulin aspart dạng kết tinh với protamin và insulin aspart dạng hòa tan, tỷ lệ giữa 2 thành phần lần lượt là 70% và 30%. Thời gian tác dụng kéo dài trong 24 giờ.
- Ryzodeg: Thành phần của insulin này là 70% insulin degludec và 30% insulin aspart.
- Humalog Mix 70/30: Thành phần của insulin này là 70% NPL (neutral protamine lispro) với 30% Insulin Lispro.
- Humalog Mix 75/25: Tỷ lệ được dùng ở loại này là 75/25 với 75% NPL (neutral protamine lispro) và 25% Insulin Lispro
- Humalog 50/50: Thành phần gồm 50% NPL (neutral protamine lispro) và 50% Insulin Lispro
Các tác dụng phụ thường gặp và những điểm lưu ý khi tiêm insulin
Đối với người mắc tiểu đường tuýp 1, việc tiêm insulin diễn ra thường xuyên và kéo dài. Insulin tuy an toàn nhưng vẫn có những tác dụng không mong muốn, việc tìm hiểu những tác dụng phụ này giúp các bạn tìm ra được cách khắc phục và phần nào cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hạ đường huyết quá mức
Nếu sau khi tiêm insulin bạn bỗng xuất hiện những triệu chứng như bồn chồn, hoa mắt, bủn rủn tay chân, đói, vã mồ hôi thì khả năng cao là bạn đã gặp phải tác dụng phụ hạ đường huyết quá mức.
Tình trạng này thường diễn ra khi người bệnh bỏ bữa sau khi tiêm insulin hoặc tiêm insulin quá liều. Trong trường hợp này, bạn nên cho người bệnh ngậm 1-2 viên đường hoặc kẹo, cũng có thể cho uống sữa hoặc ăn một chút đồ ngọt và để bệnh nhân nghỉ ngơi.
Nếu tình trạng tồi tệ hơn như bệnh nhân lú lẫn, mắt lờ mờ, khó nói thì khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Tăng đường huyết do phản ứng
Trong một vài trường hợp sử dụng insulin quá liều, cơ chế điều hòa ngược của cơ thể bị kích thích, lúc này các hóc môn điều hòa được được giải phóng gây ra phản ứng làm tăng đường huyết.
Hiện tượng này thường xảy ra vào lúc nửa đêm, đến sáng hôm sau khi bệnh nhân đo đường huyết thấy tăng cao. Điều này khiến bệnh nhân hiểu nhầm rằng liều lượng insulin mình đang dùng là chưa đủ.
Trong trường hợp này, các bác sĩ thường chỉ định đo đường huyết lúc nửa đêm và sáng, nếu kết quả đường huyết lúc nửa đêm giảm quá mức mà đường huyết lúc sáng lại tăng cao thì đây rất có thể là hiện tượng tăng đường huyết do phản ứng. Giải pháp lúc này chính là giảm liều insulin.
Tốt nhất bạn nên trang bị máy đo đường huyết tại nhà để kịp thời theo dõi và kiểm soát chỉ số đường huyết, phòng trường hợp đường huyết tăng hoặc giảm quá mức. Tuyệt đối không tự ý tăng hay giảm liều insulin khi chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Bị teo hoặc phì đại mô mỡ tại vị trí tiêm
Nếu tiêm insulin ở cùng một vị trí trong vòng 1 đến 6 tháng, thường bạn sẽ thấy xuất hiện một vùng da lõm xuống hoặc lồi lên, đây là hiện tượng loạn dưỡng mô mỡ khi tiêm insulin.
Để khắc phục hiện tượng này, bạn nên tiến hành thay đổi luân phiên giữa các vị trí tiêm là bụng, đùi và phần trên cánh tay.
Tiêm insulin như thế nào là đúng cách?
Insulin được tiêm dưới da vì vùng mỡ dưới da là nơi hấp thu insulin ổn định nhất. Vị trí tiêm gồm 4 chỗ là bụng, cánh tay, đùi, mông và độ hấp thu insulin cũng giảm dần theo thứ tự đó.
Tuy vậy không nên chỉ tiêm insulin ở 1 vị trí hấp thu nhiều mà phải luân phiên thay đổi các vị trí tiêm nhằm giảm tình trạng loạn dưỡng mô mỡ lại vị trí tiêm.
Trên thị trường hiện nay, insulin có dạng bào chế khá đa dạng, nhưng phổ biến nhất là insulin đóng trong lọ và bút tiêm insulin. Đối với dạng insulin đóng trong lọ thì dùng bơm tiêm để tiêm, còn bút tiêm insulin thì dùng trực tiếp.
Trước khi tiêm insulin bạn cần kiểm tra nhãn mác xem có đúng loại insulin mà mình dùng hay không, sau đó kiểm tra hạn sử dụng để đảm bảo chất lượng của thuốc. Tiến hành rửa tay và vệ sinh vị trí tiêm.
Đối với việc dùng bơm tiêm để tiêm insulin ở trong lọ, một số kỹ thuật cần lưu ý như sau:
Về thao tác lấy thuốc
- Lăn nhẹ lọ thuốc giữa 2 lòng bàn tay để thuốc trong lọ được phân tán đồng đều.
- Tháo nắp đậy kim tiêm của bơm tiêm.
- Kéo piston kim tiêm để lấy 1 lượng không khí bằng với lượng insulin cần tiêm.
- Đâm kim tiêm xuyên qua nút cao su lọ thuốc, đẩy không khí trong bơm tiêm ra hết.
- Dốc ngược cả lọ thuốc và bơm tiêm, từ từ rút thuốc đến khi đạt lượng insulin mong muốn.
- Kiểm tra đảm bảo không có bọt khí trong ống tiêm.
- Nhẹ nhàng rút kiêm tiêm ra khỏi lọ.
Về thao tác tiêm
- Giữ da vùng tiêm bằng cách véo nhẹ da bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ.
- Đâm kim tiêm sao cho bơm tiêm và mặt da tạo thành 1 góc 45 độ hoặc 90 độ, đảm bảo kim tiêm đi vào tổ chức dưới da.
- Đẩy nhẹ piston cho đến khi hết thuốc trong bơm tiêm.
- Sau đó giữ nguyên tư thế trong vòng 6 giây.
- Rút kim tiêm ra, tiền hành hủy bơm tiêm đã sử dụng
Lời kết
Có thể nói, tiêm insulin là giải pháp tối ưu để điều trị tiểu đường tuýp 1 ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, luôn tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tự xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.
Tài liệu tham khảo
- http://vade.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=183
- Phụ lục 04: Các loại insulin. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường của bộ Y tế. http://kcb.vn/wp-content/uploads/2017/08/HD-chan-doan-dieu-tri-DTD-2017.07.19-Approved.pdf