Câu chuyện tình yêu của ông Đỗ Trọng Ngoạn (86 tuổi, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Thất (84 tuổi) được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Dù sau 4 lần nhận giấy báo tử của chồng, những bà vẫn luôn tin rằng ông còn sống và sẽ hẹn ngày trở về. Nhờ niềm tin vào tình yêu mà 60 năm qua ông bà vẫn tìm về với nhau dù khó khăn nào và luôn sống bên nhau hạnh phúc.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm song vợ chồng ông Đỗ Trọng Ngoạn vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Trong căn nhà khiêm nhường nằm bên phố Khương Trung, ông Ngoạn kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời sóng gió của mình và câu chuyện tình yêu cảm động. Ông bảo, bà Thất vốn là bạn thân của em gái ông, thường xuyên ghé chơi nên thân thiết như người nhà. Lên 16 tuổi ông Ngoạn đã tham gia cách mạng, mỗi lần về thăm lại thấy bà Thất sang bên nhà nên đem lòng thương cảm từ lúc nào không hay. Sau thời gian tìm hiểu, năm 1955, hai ông bà nên duyên vợ chồng. “Cô ấy kém tôi 2 tuổi, xinh xắn lại đảm đang nên gia đình ai cũng yêu mến”, ông Ngoạn vui vẻ. Cưới nhau được không lâu ông Ngoạn lại lên đường đi công tác, bỏ lại bà Thất một mình chăm lo cho gia đình. Nghĩ cảnh xa vợ con, ông Ngoạn quyết định đón cả gia đình xuống Hà Nội để dễ bề chăm sóc. Được ở bên chồng, bà Thất cũng có nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc ông, nhờ thế mà tình cảm cứ theo đó lớn dần. Dù cuộc sống những ngày đầu mới cưới còn khó khăn song ông bà vẫn luôn cùng nhau nỗ lực vượt qua.
Kể về người chồng của mình, bà Thất bảo, năm 1967 ông Ngoạn phải tăng cười vào chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị). Nghĩ cảnh ông Ngoạn chiến đấu ở chiến trường ác liệt, đối mặt giữa sự sống với cái chết khiến bà Thất lo canh cánh trong lòng. Không lâu sau thì điềm gở đến với gia đình, năm 1968 gia đình bà Thất nhận được giấy báo tử của chồng. Gắn bó chưa được bao lâu nay phải xa cách, nghĩ cảnh đàn con nheo nhóc khiến bà Thất nhưng chết đi sống lại. Tuy nhiên, bà vẫn luôn có niềm tin rằng người chồng mình vẫn còn sống và đang chiến đấu ở trên chiến trường. Nhờ vậy mà bà có thêm nghị lực để nuôi dạy con cái.
Những năm sau đó, gia đình bà Thất tiếp tục nhận thêm 3 lần báo tử của ông Ngoạn. Vì tin vào tình yêu của mình nên bà vẫn một mực tin tưởng ông Ngoạn không thể hy sinh ở chiến trường. Năm 1970, ông Ngoạn trở về Hà Nội công tác, nhìn thấy chồng bà Thất như không thể tin vào mắt mình. “Tôi vừa về đến nhà vợ tôi đã hét lên u ơi ma, ma. Nghe mọi người kể, gia đình đã nhận 4 lần giấy báo tử của tôi. Lần nào vợ tôi cũng khóc lóc vật vã rồi hương khói nghi ngút. Nay tôi trở về, bà ấy còn vào cấu véo xem đúng là chồng bà ấy bằng xương, bằng thịt hay không”, ông Ngoạn nhớ lại.
Nghĩ về vợ, ông Ngoạn luôn biết ơn vì bà Thất luôn thức khuya, dậy sớm lo cho gia đình. Dù khó khăn vất vả những bà vẫn lo chu toàn việc nhà, trọn việc cơ quan. “Tôi vẫn luôn nghĩ bà ấy là chồng mới đúng. Tôi cứ đi chiến trường biền biệt, một mình bà ấy lo toan của nhà đâu ra đấy lại nuôi dạy các con khôn lớn. Từ ngày trở về, tôi cũng dành trọn thời gian chăm sóc bà ấy bù cho những tháng ngày xa cách”, ông Ngoạn nói thêm.
Cao Nguyên