Ông Ngô Văn Thiệp (sinh năm 1966, Hợp Thanh – Mỹ Đức – Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1968) sống với nhau hơn nửa đời người. Trong suốt thời gian đó cả hai ông bà đều nỗ lực hết mình để vun vén cho gia đình và tìm kiếm hạnh phúc cho mái ấm riêng của mình. Mặc dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn song ông bà vẫn luôn bên nhau, giúp đỡ để có thành quả như ngày hôm nay.
Sinh ra ở một vùng quê chiêm trũng, ngày bé, ông Ngô Văn Thiệp (sinh năm 1966, Hợp Thanh – Mỹ Đức – Hà Nội) mắc phải căn bệnh lạ nên hai tay dị dạng. Vì vậy mà ông mặc cảm nên không muốn tiếp xúc với mọi người. Thêm nữa, với bản tính hiện lành, nhút nhát nên 20 tuổi mà ông vẫn không dám tiếp xúc với người khác giới, tuổi mà ở quê ông hồi ấy bị coi là “ế”.
Ngồi trong căn nhà khang trang, ông Ngô Văn Thiệp kể cho chúng tôi nghe về mối tình duyên do bạn bè mai mối. Vì tính tình nhút nhát nên dù thầm thương bà Nguyễn Thị Tuyết, người cùng làng ông Thiệp cũng không dám bày tỏ tình cảm của mình. Biết được tình cảm của ông Thiệp, một số người bạn ông đã giúp ông “tiếp cận” gần hơn với bà Tuyết. Nhờ vậy, không lâu sau mà hai người nên nghĩa vợ chồng. “Ông ấy nhút nhát lắm, nhiều khi xuống nhà chơi cũng không dám nói gì mãi về sau khi quen rồi mới dám mở lời. Ấy vậy mà đã mấy chục năm trôi qua, đến giờ thì cuộc sống gia đình vẫn êm ấp, hạnh phúc lắm”, bà Tuyết chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết
Năm 1985, đám cưới thân mật giữa ông Thiệp và bà Tuyết được tổ chức trước sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Vì cuộc sống gia đình khó khăn nên sau khi về sống chung, ông bà làm đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình. Sinh ra ở vùng quê chiêm trũng, kinh tế gia đình dựa vào cây lúa là chính nên thời gian rảnh rất nhiều. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông Thiệp phải đi khắp nơi để kiếm việc. Sau thời gian dài cố gắng, đến nay kinh tế cũng có phần khá giả hơn, ông bà cũng không còn phải lo lắng quá nhiều.
Sau hơn 30 năm chung sống, ông bà có với nhau bốn người con, hai trai, hai gái. Hiện nay, các con đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Trông thấy các con khôn lớn từng ngày, ông bà như quên đi mọi khó khăn, khổ cực đã từng trải qua. “Cuộc đời mình khổ cực nhiều nên phải làm sao cho các con không phải khổ như mình ngày trước. Sau thời gian cố gắng, hai vợ chồng cũng đã có của ăn của để, các con cũng khôn lớn đi làm hỗ trợ gia đình nhiều. Có lẽ, nhờ thế mà cuộc sống yên bình, êm ấm diễn ra như những điều ước bấy lâu nay mà chúng tôi mong muốn”, bà Tuyết chia sẻ thêm.
Đặc biệt, sau từng ấy năm chung sống, ghánh nặng kinh tế đè lên vai nhưng ông bà chưa một lần to tiếng. Những lúc khó khăn nhất ông bà lại bảo ban, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn để các con nhìn vào mà học tập. “Tôi luôn dạy các con “giấy rách phải giữ lấy lề”, mà muốn dạy thì mình phải làm trước để các con noi theo. Chính vì thế, mấy mươi năm qua là thời gian để tôi có thể vun vén hạnh phúc và đây cũng là tấm gương để các con nhìn vào. Có lẽ, nhờ vậy mà cả bốn đứa con đều khôn lớn và trưởng thành. Đây có lẽ là món quà quý giá nhất mà vợ chồng tôi có được sau thời gian dài nỗ lực”, ông Thiệp vui vẻ.
Cao Nguyên