Ấy là cặp vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Can và bà Đỗ Thị Thục, cùng 87 tuổi, ở P219, nhà D1, phố Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội. Ông bà kết hôn từ năm 1950, đã có mấy mặt con, đến nay vẫn gắn bó nhưng… chưa từng có giấy đăng ký kết hôn.
Bác Nguyễn Văn Can bên vợ
“Tuyên bố suông rồi ở cùng nhau thôi!”
Ông Can và bà Thục vốn là cán bộ hoạt động từ trước Cách mạng tháng 8. Khi tham gia Cách mạng, ông là cán bộ vùng địch hậu ở Văn Lâm, Hưng Yên, bà làm cán bộ ở ty y tế Hưng Yên. Được ông Lê Quý Quỳnh (hồi đó là phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên) mách nước, ông Can giả vờ bị đau chân tới khám. Thế rồi hai người nên duyên.
Ông Can kể: “Đám cưới” chỉ là ké vào buổi liên hoan ở tỉnh, có đại diện ủy ban đứng ra tuyên bố; chỉ là tuyên bố suông thôi chứ không có giấy tờ gì chứng thực là vợ chồng (kiểu giấy đăng ký kết hôn). “Cưới” nhau được mấy ngày thì ông được điều động lên Việt Bắc, bà chuyển công tác vào Ninh Bình, rồi Thanh Hóa. Không ngờ 4 năm sau, năm 1954 hai người mới gặp lại.
Nhớ lại chuyện xưa, ông Can cười: Hồi đấy chúng tôi không có nhà, ở nông thôn người ta kiêng không cho vợ chồng người khác ở với nhau trong nhà mình. Vậy là cứ “cưới” thế thôi chứ có được ở với nhau đâu. 4 năm không gặp nhau, gặp lại, chúng tôi mới chính thức sống cùng nhau, và ở với nhau cho tới bây giờ.
Giờ trời cho ông vẫn khỏe mạnh, còn bà sức khỏe yếu hơn. Bà tuy không có bệnh gì nhưng đôi chân yếu nên hầu như chỉ ngồi một chỗ, hoặc đi lại loanh quanh trong nhà. Nghe chuyện ông kể về ngày xưa, bà chỉ cười hiền. Hỏi bà: “Hồi đấy bà có biết ông chủ đích đến “cưa cẩm” chứ không phải bệnh nhân không?”, bà bảo không biết. “Thế sao bà lại “gật đầu” với ông chỉ sau vài ngày gặp?”, “Vì ông là cán bộ Cách mạng”. Nghe bà nói vậy, ông lại vặn: “Đầy người cán bộ Cách mạng đấy chứ”, rồi ông quay sang tôi: “Bà nói thế thôi”…
Muốn vào trại dưỡng lão
Vì lý do sức khỏe của bà và điều kiện gia đình, ông bà không ở phố Đặng Văn Ngữ nữa mà chuyển về nhà con gái (ở ngõ 283 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội). Ông giải thích: “Về đây có chị giúp việc, tiện cho vợ tôi vì bà chân yếu, cần người chăm sóc”.
Ông cũng đã nghĩ tới việc hai ông bà vào trại dưỡng lão, bởi ở đó tiện chăm sóc về y tế, nhưng con cái không đồng ý nên ông bà chưa thực hiện được. Nhưng ông nói: “Đến lúc bà yếu hơn, cả hai phải vào trại dưỡng lão thôi. Tôi đã tham khảo rồi. Bà ở đó. Tôi cũng ở đó luôn; tôi vẫn có thể làm việc trong đấy”. Bà thì bảo tùy ý ông; bà ở đâu cũng được.
Còn sức khỏe, ông Can vẫn rất hăng say công tác. Ông hay gặp gỡ bạn bè, say mê với việc làm sao để đưa âm nhạc dân tộc, đưa môn võ tới các bạn trẻ, tổ chức các tua du lịch về cội nguồn… Ông cho biết, bà giờ không thích ồn ào nên ông hay tụ tập bạn bè ở nhà của ông bà ở Trung Tự. Ở đó cũng có nhiều đầu sách về văn hóa, bạn bè gặp nhau cùng trao đổi thảo luận về sách và các vấn đề văn hóa. Những lúc ở nhà, để kích thích hoạt động của não, “giữ não”, ông lại bắt bà đọc thơ. Ông cứ đọc câu trước, bà đọc câu sau. Câu nào bà quên thì ông nhắc, gợi để bà nhớ.
Để minh chứng, hai ông bà “hợp tác” đọc luôn đoạn thơ mà theo ông nói là của người bạn sáng tác:
Cứ ngỡ tình yêu lúc xế tà
Ngày xuân nồng thắm đã trôi qua
Chỉ còn ngày tháng bên con cháu
Vui vẻ bên nhau lúc tuổi già.
Nhưng rồi mấy tháng tạm xa nhau
Nỗi nhớ tràn lên trắng mái đầu
Nhà vắng, giường không, trời trở lạnh
Một mình vò võ giữa đêm thâu.
Lâm Nhi