Nhiều năm nay, cứ vào khoảng 15 giờ 45 hàng ngày, bất kể trời mưa hay nắng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quý (sinh năm1940) và bà Trương Thị Cư (sinh năm 1946) lại chia nhau tản bộ đến trường đón 2 cháu nội tan học về. Ông bà chia sẻ: “Kết hợp đi bộ với đón cháu hàng ngày có tác dụng khá tốt bởi đã giúp ông bà đỡ đau lưng, đau cơ khớp, chống bệnh ỳ”.
Hiện ông bà đang sống cùng gia đình vợ chồng con trai tại tổ 8B, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Cư cho biết, năm 1963 bà được tuyển vào làm công nhân tại công ty Dệt 8-3 Hà Nội và nghỉ chế độ hưu trí năm 1998. Còn ông, năm 1963 gia nhập quân đội được biên chế vào bộ đội pháo phòng không trực tiếp chiến đấu bảo vệ vùng trời của Thủ đô và miền Bắc. Do không đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ trong quân đội nên đến năm 1969 ông xuất ngũ về làm việc tại Xí nghiệp Gỗ Hà Nội. Đến năm 1992, ông nghỉ chế độ mất sức lao động.
Ông bà tổ chức lễ cưới năm 1969, lần lượt sinh được 3 người con. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, lương công nhân không đủ lo cho cuộc sống gia đình, nên ông bà tận dụng mảnh đất trống làm chuồng nuôi gà, lợn, ngan để thêm đồng ra đồng vào. Từ đây cuộc sống khấm khá hơn, vừa đỡ lo về kinh tế, ông bà vừa có thêm nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, tăng gia sản xuất.
Từ năm 1986, bà được bà con tin tưởng bầu là tổ trưởng tổ dân phố nhưng do còn đang làm việc ở công ty, các con còn nhỏ và ông sức khỏe yếu nên bà chỉ xin nhận là tổ phó, giúp ông tổ trưởng quản lý hành chính và luôn chia sẻ với bà con những kinh nghiệm chăn nuôi gà, lợn. Đến khi nghỉ hưu, bà được hội viên Chi Hội Người cao tuổi tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành và được phân công là Chi Hội phó kiêm tổ trưởng tổ Người cao tuổi 8B liên tục đến nay.
Bà sắp xếp thời gian trong ngày phù hợp nên vừa thực hiện chu đáo công tác xã hội, vừa có đủ thời gian lo việc nội trợ gia đình, cùng ông chăm sóc, nuôi dạy 3 người con, 2 gái 1 trai trưởng thành. Đến nay các con đã có gia đình riêng và ông bà đã có 6 cháu nội ngoại. Ông bà luôn động viên các con dù bận đến mấy cũng phải quan tâm nuôi dạy các cháu nên người, được học hành đến nơi đến chốn.
Ông bà tâm sự: “Khi còn trẻ niềm hạnh phúc là các con được học hành khôn lớn. Lúc về già, niềm vui hạnh phúc đậm đà hơn khi con cái trưởng thành và các cháu chăm ngoan học giỏi. Những lúc rỗi rãi, chúng tôi ngồi trò chuyện cùng nhau thư giãn, tận hưởng trọn vẹn niềm vui hạnh phúc tuổi già, như vậy là đã thấy đủ mãn nguyện”.
Văn Quý (Hai Bà Trưng, Hà Nội)